Gia đình xã hội
Tăng cường giám sát dịch bệnh sốt xuất huyết
(Congannghean.vn)-Từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện 3 ổ dịch sốt xuất huyết ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu; xã Hưng Lĩnh và Hưng Long, huyện Hưng Nguyên. Điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay tạo điều kiện cho dịch bệnh lan nhanh và diễn biến ngày càng phức tạp. Vì vậy, tăng cường giám sát, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường là cơ sở quan trọng để khoanh vùng, không để dịch bệnh lan nhanh.
Ngày 30/9, chúng tôi có mặt tại Trạm Y tế xã Hưng Long (Hưng Nguyên), là một trong 3 ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh. Tuy Trạm Y tế xã đã thực hiện nhiều kế hoạch, biện pháp theo hướng dẫn của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nhưng số ca mắc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ vài trường hợp nhỏ lẻ, đến chiều 30/9, đã có tới 21 trường hợp bị sốt xuất huyết, chủ yếu là người dân ở xóm 7A, 9A; trong đó, tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 15 tuổi.
Bác sỹ Hồ Văn Hưng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hưng Long theo dõi sức khỏe của các cháu bé trên địa bàn |
Bác sỹ Hồ Văn Hưng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hưng Long cho biết: “Trường hợp đầu tiên bị sốt xuất huyết là cháu Nguyễn Thị Vân Anh (SN 2001) trú tại xóm 9A. Lúc đầu, cháu bị sốt, người mệt mỏi, chấm xuất huyết ở chân, gia đình để cháu điều trị tại nhà, cho uống thuốc cảm cúm. Sau thời gian không thuyên giảm, triệu chứng phát ban có chiều hướng tăng, gia đình mới đưa cháu lên trạm y tế xã khám. Sau đó, Trạm có lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm thì mới phát hiện cháu bị sốt xuất huyết và lên phác đồ điều trị”. Cũng theo bác sỹ Hưng, các trường hợp bị sốt xuất huyết tại xã có dấu hiệu không điển hình nên gia đình người bệnh thường chủ quan, dẫn đến những khó khăn trong việc khám, chữa bệnh ban đầu.
Việc người dân tự điều trị tại nhà là một trong nhiều nguyên nhân khiến dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Bác sỹ Nguyễn Đình Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên cho biết: “Trường hợp bệnh nhân bị sốt xuất huyết đầu tiên là vào ngày 28/8/2015. Đó là anh Hồ Quang Cảnh (23 tuổi) trú tại xóm 8, xã Hưng Lĩnh. Sau khi từ TP Hồ Chí Minh về, anh có dấu hiệu sốt, mệt mỏi. Gia đình đã mua thuốc và tự điều trị nhưng vẫn không khỏi.
Sau khi đến Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện gửi mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm mới biết bị sốt xuất huyết”. Sau khi phát hiện bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên đã tập trung giám sát lấy mẫu bệnh phẩm. Đồng thời, tham mưu Huyện ủy, UBND huyện lập kế hoạch huy động các cấp, các ngành chủ động phòng chống dịch ở tất cả các xã. Mặt khác, tiến hành xử lý ổ dịch bằng cách phun thuốc diệt muỗi, mở chiến dịch toàn dân diệt loăng quăng, bọ gậy.
Đề phòng dịch sốt xuất huyết lây lan sang các xã khác, huyện Hưng Nguyên đang tăng cường cán bộ y tế trực tiếp xuống xóm có dịch và các xóm lân cận của xã Hưng Long giám sát ổ dịch. Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các xã Hưng Long, Hưng Lĩnh tổ chức ra quân vệ sinh môi trường tại xóm, xử lý bọ gậy tại từng hộ gia đình, tuyên truyền người dân thả cá vào bể chứa nước, tập trung xử lý làm giảm nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy; đồng thời tuyên truyền, giáo dục người dân cách phòng, chống dịch, giám sát chặt chẽ bệnh nhân và muỗi truyền sốt xuất huyết… Đến thời điểm hiện tại, các trường học, khu vực nhà dân, trạm y tế đã được phun thuốc diệt muỗi.
Theo bác sỹ Phan Văn Công, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, đến nay, huyện Quỳnh Lưu đã công bố chấm dứt dịch bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, từ ngày 10/9 - 23/9, tại xã Quỳnh Ngọc không có bệnh nhân mới bị nhiễm bệnh, ổ dịch đã nhanh chóng được dập tắt. Riêng địa bàn xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên, 10 ngày qua cũng chưa xuất hiện trường hợp bệnh nhân mắc mới. Trung tâm Y tế cũng đã cung cấp 250 lít hóa chất cho cả hai địa bàn trên, trong đó tập trung ở hai xã thuộc huyện Hưng Nguyên.
Như vậy, trên địa bàn tỉnh đã có 49 trường hợp bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Ổ dịch đã được tập trung giám sát, tuy nhiên, người dân cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, thường xuyên diệt loăng quăng, bọ gậy; khi phát hiện triệu chứng của bệnh cần sớm đến trung tâm y tế để được hướng dẫn xử lý, tránh tự điều trị khiến bệnh khó thuyên giảm và có nguy cơ lây lan rộng trên địa bàn.
Mai Hậu