Gia đình xã hội
Người dân thờ ơ với khám sức khỏe định kỳ
(Congannghean.vn)-Khám sức khỏe định kỳ (KSKĐK) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh tật. Thế nhưng, hiện nay, không chỉ những người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả những người đang sống ở vùng thành thị cũng đang thờ ơ với việc KSKĐK.
Có bệnh mới đi khám
Khám sức khỏe định kỳ là việc kiểm tra sức khỏe để đánh giá tổng quan tình trạng sức khỏe của mỗi người theo khoảng thời gian ấn định 6 tháng/lần, 1 năm/lần, 2 năm/ lần. KSKĐK có vai trò quan trọng, giúp mỗi người phát hiện các vấn đề bất thường về sức khỏe và các loại bệnh khi chưa có những biểu hiện bên ngoài; qua đó góp phần điều trị hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, đồng thời tránh các biến chứng do bệnh gây ra...
Người dân cần chú trọng hơn nữa tới việc khám sức khỏe định kỳ (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, nếu duy trì việc KSKĐK đều đặn, chúng ta sẽ có sự điều chỉnh hợp lý về chế độ ăn uống, làm việc, điều chỉnh lối sống nhằm nâng cao năng suất lao động, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết người dân chỉ đến các cơ sở y tế khám khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe chứ không tham gia KSKĐK. Nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc KSKĐK. Đặc biệt, đối với những người dân sống ở vùng sâu, vùng xa thì việc KSKĐK lại càng khó khăn hơn. Một số người có tâm lý e ngại, nếu đi khám phát hiện có bệnh, về nhà sẽ lo lắng nên không dám đi khám, để đến khi bệnh có diễn biến nặng hoặc có những biểu hiện bên ngoài thì mới đi khám.
Không chỉ những người nông dân “chân lấm tay bùn” do kinh tế khó khăn, hiểu biết hạn chế nên không đi KSKĐK mà ngay cả một bộ phận trí thức, cán bộ, công nhân viên chức, những người có điều kiện kinh tế và có thẻ BHYT cũng đang thờ ơ với việc KSKĐK. Họ chỉ tới bệnh viện khám khi có những triệu chứng của bệnh tật, hoặc khi cơ quan tổ chức khám định kỳ.
Đừng thờ ơ với sức khỏe của chính mình
Với những người nông dân thu nhập chủ yếu từ đồng ruộng, việc có được một khoản tiền để đi KSKĐK là khá khó khăn. Tuy nhiên, so sánh giữa một lần đi KSKĐK với việc phải vào bệnh viện điều trị cả tháng trời thì số tiền phải bỏ ra không chỉ chênh nhau gấp đôi, gấp ba mà còn lớn hơn nữa. Không dừng lại ở đó, việc phát hiện bệnh muộn sẽ khiến quá trình điều trị càng khó khăn hơn, có những căn bệnh ở giai đoạn cuối, các bác sĩ cũng đành “bó tay”. Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, đó không chỉ là tài sản riêng của từng cá nhân mà còn là nguồn tài nguyên đáng giá của xã hội, cộng đồng. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, theo đó chất lượng cuộc sống của con người được nâng cao. Chính vì vậy, mỗi người cần quan tâm hơn nữa tới việc chăm sóc sức khỏe.
Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, để người dân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc KSKĐK, ngành Y tế và các ngành liên quan phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để họ nâng cao ý thức tự giác, chủ động trong việc KSKĐK nhằm phát hiện và điều trị bệnh sớm. Bởi đây là biện pháp tốt nhất để theo dõi sức khỏe, từ đó điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, làm việc để bảo vệ sức khỏe của mỗi người.
Đặng Duyên