Gia đình xã hội

Nơi tình người không ranh giới

15:19, 06/09/2015 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Tiếng la hét, khóc than, thậm chí là chửi bới, đe dọa đánh đập cả những người trực tiếp thăm khám, cứu chữa cho mình là chuyện thường ngày ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Nhiều bệnh nhân bị bỏ rơi không có người chăm sóc, các y bác sĩ lại phải làm nhiệm vụ cưu mang. Bao năm nay, họ đã vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc người bệnh bằng cả cái tâm và y đức của người thầy thuốc.

Muôn kiểu bệnh nhân tâm thần

Nhìn vẻ bề ngoài, nếu chưa đọc qua hồ sơ bệnh án thì khó có ai biết rằng, Hoa là bệnh nhân đã có “thâm niên” tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An trong suốt thời gian qua, bởi dáng vẻ cao ráo, làn da trắng mịn, khuôn mặt bầu bĩnh chứa nét duyên thầm. Bất chợt, đôi mắt Hoa nhìn chằm chằm vào người đồng nghiệp của tôi rồi hát vu vơ. Mái tóc rũ xuống, đôi mắt đờ đẫn, hết khóc rồi cười, cô im lặng bất thần, tay bóp nát chiếc bánh đang cầm, ném qua khung cửa sổ giường bệnh. Còn Xuân, một bệnh nhân mới 24 tuổi, cùng dãy phòng với Hoa lại luôn miệng đòi chết vì tình, khiến các bác sĩ tại đây phải tìm mọi cách trấn an, khuyên giải, dỗ dành như một đứa trẻ.

“Mới vào hả, bị điên à? Vào đây phải nghe lời bác sĩ mới nhanh về với thế giới thần tiên được. Nghe rõ chưa? Không nghe lời tao gọi quân đến chém”, đôi mắt T. trừng lên và buông lời doạ nạt khi thấy bệnh nhân mới vào nhập viện. Hỏi các bác sĩ ở đây, tôi mới biết, T. bị rối loạn thần kinh do sử dụng ma túy đá. Những năm gần đây, không hiếm gặp những trường hợp như T. phải vào điều trị, bởi trước đó, họ đua đòi sử dụng ma túy đá, thuốc lắc, khiến chức năng của hệ thần kinh bị rồi loạn, sau đó sinh chứng hoang tưởng.

Bác sĩ Ngân Thị Xuyến, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trực tiếp thăm khám cho người bệnh
Bác sĩ Ngân Thị Xuyến, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trực tiếp thăm khám cho người bệnh

Kế bên khoa I là nơi tập trung các bệnh nhân nam bị bệnh nặng, liên tục phá cửa đòi ra ngoài. Họ mắc bệnh vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như lạm dụng rượu, làm ăn thua lỗ, ảo tưởng một cuộc sống viển vông… nhưng khi vào đây, họ đều có chung tên gọi “bệnh nhân”. Ấy thế mà có chuyện, khi bác sĩ vào để thăm khám đã bị một bệnh nhân “tóm gọn” rồi hô hét “Tau bắt được hắn rồi, bay trốn cả đi. Chạy nhanh”. Họ không thể nhớ được mình đã từng làm gì, ở đâu để rồi sau khi hết cơn điên, lại “Dạ, vâng!” với bác sĩ một cách lễ phép. Mỗi bệnh nhân khi lên cơn tâm thần lại có những hành động, biểu hiện khác nhau và muôn vàn kiểu “tra tấn” mà các y bác sĩ tại đây phải hứng chịu.

Tận tình với bệnh nhân

Gần 30 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Ngân Thị Xuyến, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An đã không ít lần bị các bệnh nhân tấn công, đe dọa, với nhiều hình thức khác nhau. Đã có không ít y bác sĩ bị bệnh nhân nổi cơn điên tấn công bất ngờ, đánh đập đến chấn thương sọ não.

“Năm 1987, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Bình, tôi theo chồng về Nghệ An công tác. Tôi có 3 lựa chọn nơi làm việc nhưng cuối cùng lại chọn nơi đây. Điều trị cho bệnh nhân bình thường đã khó, với bệnh nhân tâm thần lại càng vất vả, áp lực hơn. Công việc đặc thù đòi hỏi mình phải yêu nghề thì mới bám trụ được. Bệnh nhân tâm thần cũng khao khát được trở lại là người bình thường. Vì vậy, mình phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn, yêu thương người bệnh bằng cả cái tâm lẫn y đức của người thầy thuốc để giúp họ sớm khỏi bệnh, trở về với gia đình và xã hội”, bác sĩ Xuyến tâm sự. 

Đó cũng là nỗi niềm, tâm sự chung của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Nhiều lúc bị bệnh nhân bất ngờ hành hung, tấn công nhưng họ vẫn cảm thông và thấu hiểu cho người bệnh.

Cách đây 4 năm, một bệnh nhân ở khoa I đã giật tung thang gường bệnh, đánh vào đầu nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Sen, gây chấn thương sọ não khiến chị phải điều trị hàng năm trời. Khỏi bệnh, mặc dù vẫn còn mang di chứng trên người nhưng chị vẫn không bỏ nghề. Cách đây chưa lâu, trong lúc tiêm thuốc, điều dưỡng Phan Sỹ Bình đã bị bệnh nhân dùng tay đấm vào mặt khiến mắt bị sưng bầm tím. Những y bác sĩ, điều dưỡng trẻ là nữ giới bị bệnh nhân nam trêu ghẹo là chuyện thường ngày. Khi vào Bệnh viện, lúc thăm hỏi, các bệnh nhân đều một mực phủ nhận về việc mình bị bệnh nên không hợp tác với bác sĩ để có phác đồ điều trị. Vì vậy, chỉ còn cách tìm hiểu về căn bệnh của họ qua người thân. Chuyện bệnh nhân từ chối điều trị, rồi phá phách, đe dọa y bác sĩ không phải là chuyện hiếm gặp ở nơi này.

Vất vả nhất là những bệnh nhân bị người nhà bỏ mặc tại Bệnh viện. Các bệnh nhân không thể tự làm vệ sinh cá nhân mà phải nhờ đến các điều dưỡng, hộ lý… Tết đến, ngoài các bệnh nhân được người nhà đến đưa về đoàn viên cùng gia đình thì năm nào cũng có khoảng hơn 30 người bị bỏ mặc. Vì vậy, Bệnh viện phải cắt cử y bác sĩ ở lại để túc trực, chăm sóc, lo việc ăn uống cho họ.

Tại đây, mỗi năm có hàng nghìn lượt bệnh nhân đến khám và phải ở lại điều trị. Ngoài việc làm tốt công tác chuyên môn, các y bác sĩ còn là những chuyên gia tâm lý, thường xuyên trò chuyện, động viên người bệnh; kể cả việc phải “hóa thân” để nói cười cùng họ, rồi cắt tỉa móng tay, bón từng thìa cơm… nhằm giúp họ nhanh chóng khỏi bệnh.

Niềm mong mỏi lớn nhất của đội ngũ y bác sĩ ở đây là mong cho người bệnh nhanh chóng trở về trạng thái của người bình thường. Và, xin được mượn những câu thơ trích trong bài “Người bệnh không đau” của bác sĩ Ngân Thị Xuyến để nói lên nỗi niềm của những thầy thuốc nơi đây:

“Mong cho em căn bệnh sẽ qua mau

Hòa nhịp sống sục sôi cùng tuổi trẻ

Biết lo toan, biết đỡ đần cha mẹ

Biết yêu thương, biết buồn vui chia sẻ

Với người thân, với bạn bè tri kỷ

Xã hội này không còn ai kỳ thị

Chỉ vì em là người bệnh không đau”.

 

Ngọc Thái

Các tin khác