Gia đình xã hội
Những bông hoa đẹp trong phong trào thi đua yêu nước
(Congannghean.vn)-Họ là công nhân, nông dân, giáo viên - những người trực tiếp lao động sản xuất làm ra sản phẩm. Và cũng có thể là trí thức - những người đang hàng ngày truyền dạy kiến thức để các em học sinh có nền tảng vững chắc bước vào đời, dựng xây đất nước... Với những thành phần khác nhau, nhưng ở họ đều có điểm chung là tinh thần chịu khó, ham học hỏi, nhiệt huyết, phấn đấu nỗ lực hết mình trong các phong trào thi đua, với tâm niệm “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”. Đó là những cá nhân điển hình được tuyên dương, nhân rộng, là những bông hoa đẹp trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh nhà.
Kỳ tích của “ông đồ Nghệ”
Trường THPT chuyên Phan Bội Châu là một trong nhiều ngôi trường giàu thành tích của tỉnh nhà. Để đạt được dấu ấn đó, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ học sinh, còn có những cống hiến thầm lặng của các thầy cô giáo. Một trong những thầy giáo gắn liền với nhiều huy chương vật lý trong khu vực và trên thế giới là thầy giáo Trần Văn Nga, chủ nhiệm bộ môn Vật lý, nay là Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Thầy giáo Trần Văn Nga cùng em Cao Ngọc Thái, giành được Huy chương Vàng Vật lý quốc tế 2014 |
Tốt nghiệp khoa Vật lý Trường ĐH Vinh năm 1999, thầy Trần Văn Nga quyết định học tiếp lên thạc sĩ. Quá trình học ĐH và học lên thạc sĩ, thầy luôn đạt điểm tổng kết cao nhất khóa. Khi ra trường, thầy quyết định thi tuyển làm giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Mặc dù tuổi đời còn trẻ (26 tuổi) nhưng nhờ chuyên môn giỏi, năm 2002, thầy được phân công chủ nhiệm khóa chuyên Vật lý đầu tiên. Đến nay, các khóa mà thầy làm chủ nhiệm, các học sinh đều đạt kết quả thi tốt nghiệp và ĐH xuất sắc, giành phần lớn các giải cao của kỳ thi học sinh giỏi (HSG) tỉnh. Các học sinh chuyên Vật lý nói chung và học sinh được thầy Nga dạy dỗ nói riêng đều đạt giải tốp đầu trong kỳ thi HSG quốc gia các năm và đứng vị trí đầu của đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế.
Trong đó, phải kể đến em Nguyễn Tất Nghĩa đã giành được Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2007 (lúc này Nghĩa đang học lớp 11). Em cũng vinh dự được chọn là một trong 9 học sinh xuất sắc nhất của Olympic Vật lý quốc tế, là đại diện duy nhất của ngành Giáo dục nhận giải thưởng "Vinh quang Việt Nam". Năm 2008, Nghĩa là thủ khoa toàn quốc kỳ thi HSG quốc gia. Không những vậy, em đã giành Huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Á và Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế. Hay như trường hợp em Nguyễn Trung Hưng, học sinh lớp 12A3 K37 cũng là một trong những gương mặt xuất sắc.
Trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á được tổ chức tại Israel tháng 5/2011, 2 học sinh chuyên Vật lý của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu là Nguyễn Trung Hưng (đạt giải nhất HSG quốc gia năm 2010 và 2011) và Nguyễn Huy Hoàng đều đạt Huy chương Đồng (2 huy chương duy nhất của đoàn học sinh Việt Nam)...
Sau mỗi lần đạt được kết quả cao trong các kỳ thi, các thế hệ học trò đều bày tỏ sự cảm phục trước tấm lòng và sự “truyền lửa” miệt mài của thầy giáo Trần Văn Nga. Đó là những đêm thức cùng học trò, là những bữa ăn do thầy tự tay nấu để các trò có thêm sức khỏe, phấn đấu nhiều hơn nữa trong học tập; còn là những lời tâm sự, khuyên giải và cả sự nghiêm khắc với những cô cậu học trò sớm phải xa gia đình để nuôi dưỡng ước mơ thành tài... Không bằng lòng với những thành tích mình đã có, ngoài giờ dạy, thầy còn miệt mài sưu tầm tài liệu, đọc và nghiên cứu nhiều sách vở, tham khảo, học tập kinh nghiệm giảng dạy từ các đồng nghiệp.
Người công nhân với cải tiến sáng tạo
Hiện nay, hệ thống vận hành nước trên địa bàn TP Vinh về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhân dân được sử dụng nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, ít ai ngờ, cách đây một thời gian, việc vận hành nguồn nước đã gặp một số khó khăn cần tháo gỡ. Bằng sự kiên trì và say mê tìm tòi, anh Nguyễn Cảnh Trung (SN 1972), tổ Cơ điện, Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An đã cùng đồng nghiệp chế tạo, cải tiến hệ thống Baxetup ngăn nước công nghệ mới, góp phần hữu ích trong nâng cao chất lượng nguồn nước, tiết kiệm điện năng.
Anh Nguyễn Cảnh Trung bên hệ thống cải tiến mới của mình |
Trước đây, do máy móc lâu đời, lại không đồng bộ nên khi vận hành thì tốn rất nhiều điện năng, trong khi đó, lưu lượng nước không đảm bảo như thiết kế. Việc sử dụng dây đay để chèn trong thiết kế cũng khiến máy móc bị hư hỏng liên tục (trung bình 1 lần/tuần), vì vậy nhân viên trong Công ty phải thay phiên nhau đi sửa chữa. Trước thực trạng trên, anh Trung cùng các đồng nghiệp luôn trăn trở tìm ra giải pháp để thay đổi, nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân.
Ngoài kinh nghiệm trong quá trình công tác, anh cùng đồng nghiệp tìm hiểu thêm các kiến thức chuyên môn trong sách vở. Qua 3 tháng trăn trở nghiên cứu, năm 2007, anh cùng các đồng nghiệp mạnh dạn thử nghiệm hệ thống Baxetup tại Nhà máy nước Đông Vĩnh. Thấy có hiệu quả, anh đề xuất lãnh đạo Công ty tiến hành thay đổi trên toàn bộ hệ thống thuộc địa bàn thành phố. Với thiết kế mới này, khi vận hành máy móc, mô tơ không bị nóng, rung, lượng tiêu thụ điện năng giảm, trong khi lưu lượng nước lại đủ về khối lượng, chất lượng có sự thay đổi rõ rệt. Với những cải tiến trên, anh Nguyễn Cảnh Trung vinh dự được nhận Giấy khen của Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An và Sở Xây dựng, Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động tỉnh.
Người nông dân làm giàu từ hai bàn tay trắng
Tới xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, hỏi về anh Nguyễn Quốc Trung, ai ai cũng đều biết. Bằng sự quyết tâm của bản thân, cùng tinh thần chịu khó học hỏi, anh đã biến một vùng đất hoang hóa rộng lớn thành trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã. Anh cũng là một trong nhiều nông dân tiêu biểu được tuyên dương trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015.
Anh Nguyễn Quốc Trung với mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Sau khi tốt nghiệp THPT, do cuộc sống khó khăn, anh Trung không thể học tiếp mà phải đi làm thêm, kiếm sống bằng nhiều công việc khác nhau. Năm 2005, anh lập gia đình. Không cam chịu cảnh vợ con phải vất vả, cực nhọc, anh nuôi chí làm giàu. Phát hiện cánh đồng lớn gần nhà bị hoang hóa, không có ai canh tác, sản xuất, anh đã mạnh dạn đấu thầu để đào ao nuôi vịt. Chỉ có hai bàn tay trắng nên anh đã vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, mua 500 con vịt chăn thả. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, vì dịch bệnh, thời tiết thất thường, bản thân anh lại thiếu kinh nghiệm nên toàn bộ số vịt trên đã chết. Không nản chí, anh lại vay mượn tiền từ bạn bè để tiếp tục thực hiện mục tiêu còn dang dở.
Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, anh Trung không ngừng học hỏi từ những người có kinh nghiệm và những chuyến đi vượt khỏi “lũy tre làng”. Anh tiếp tục nuôi thêm 1.000 con vịt. Trời không phụ lòng người, việc chăn nuôi đã phát huy hiệu quả. Anh quyết định mở rộng quy mô trang trại, chăn nuôi thêm lợn nái và lợn thịt. Từ 2 con, đàn lợn có lúc tăng lên 150 - 200 con. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, anh còn đào ao nuôi cá, đến nay diện tích đã lên đến 2 ha với 3 ao quanh nhà. Để phục vụ việc sản xuất, chăn nuôi, anh Trung thuê thêm 2 lao động với mức lương ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi tháng thu nhập của anh đạt từ 25 - 30 triệu đồng.
“Có những lúc, tôi tưởng như không gượng dậy được, như thời điểm mưa lũ năm 2010, toàn bộ gia súc, gia cầm đều bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, tôi tâm niệm, phải gắng dậy bước tiếp để làm chỗ dựa cho vợ con, cải thiện cuộc sống. Hiện nay, cuộc sống gia đình về cơ bản đã ổn định, 3 con gái đều ngoan ngoãn. Trong tương lai, tôi có ý định mở rộng quy mô sản xuất, học thêm nhiều ngành nghề khác nữa, vừa giúp bản thân vừa có điều kiện làm giàu cho quê hương”, anh Trung cho biết thêm.
Mai Hậu