Gia đình xã hội

Gửi bố, người đồng đội của con

07:37, 23/08/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Lời tòa soạn: Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2015) và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ (19/8/2005 - 19/8/2015), nhằm xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, tăng thêm tình cảm, trách nhiệm, tạo sự gắn bó, chia sẻ giúp đỡ giữa đồng chí đồng đội để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Bộ Công an đã phát động cuộc thi viết thư “Viết cho đồng đội, viết cho người thân”. Trong cuộc thi này, đồng chí Trung úy Trần Thị Nhung, cán bộ Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ Công an Nghệ An đã đạt giải Ba của cuộc thi với bài viết: Gửi bố - Người đồng đội của con. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ, Báo Công an Nghệ An xin gửi tới độc giả tác phẩm này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bố kính yêu! Con biết, khi viết lên những dòng chữ này, bố sẽ mãi mãi không đọc được. Nhưng con nghĩ rằng, ở nơi chín suối, bố luôn che chở, dõi theo và ủng hộ con trên những bước đi suốt cuộc đời. Những dòng chữ này dưới đây, như một nén hương lòng, con kính dâng lên bố - người đồng đội của con.

Bố ạ, đêm đã về khuya, khi mọi người đang chìm vào giấc ngủ, trở mình thức giấc, thấy mẹ đang ngủ, nhìn những nếp nhăn với bao nỗi lo toan, vất vả hằn in trên gương mặt mẹ, con thương mẹ lắm. Thương mẹ bao nhiêu thì nỗi nhớ bố lại cứ dồn về, mặc dù hình ảnh của Bố để lại trong con là rất ít, vì ngày bố mất, con mới chỉ là đứa trẻ lên 4 mà thôi.

Bố ơi! Sáng nay, con cùng với anh em đồng chí trong đơn vị đi viếng đồng chí Nguyễn Trọng Điền, Công an viên thường trực xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Đứng dưới trời mưa to, dâng nén hương thơm giơ tay chào vĩnh biệt người đồng chí của mình về với đất mẹ, dưới hàng lệ rơi, với niềm tiếc thương, xúc động, con lại nhớ bố da diết, nhưng cũng pha lẫn niềm tự hào vì bố của con cũng là người đồng chí, đồng đội như thế. Bố đã ngã xuống trong một lần truy bắt tội phạm nguy hiểm khi chưa tròn 30 tuổi.

Bố mất ngày con gái bố đang bi bô tập nói. Đến giờ, con đã trưởng thành, là một chiến sỹ Công an. Bố ơi, con muốn quay về với tuổi thơ, quay về với khoảng thời gian 4 năm ngắn ngủi có bố, cái tuổi cũng như bao đứa trẻ khác, đáng nhẽ ra con phải nhận được sự yêu thương, che chở của bố. Nhưng với con, không bao giờ con có được niềm hạnh phúc đó, chưa một lần con được bố chở đi chơi như các bạn, chưa một lần con được bố chở đến trường, chưa một lần con được bố bày cho những con chữ đầu đời…

Bố ơi! Tiếng “bố” đối với con nghe thân thương lắm nhưng con khó có thể cất lên thành lời mà chỉ biết gửi lại trong những trang nhật ký của mình, qua lời kể của mẹ, của bà và trong sâu thẳm trái tim con mà thôi. Ngày trước, con hay tủi thân với bạn bè cùng trang lứa khi suốt ngày các bạn được bố chăm lo, chở đi chơi, đi học, còn con gái của bố thì không. Mẹ luôn bận việc đồng áng, lo chạy từng bữa chợ để chị em con có cái ăn, cái mặc nên chỉ một mình con tự đến trường, tự học mà thôi. Dẫu còn ngây thơ, nhỏ bé nhưng con cũng ngậm ngùi và thầm trách bố. Nhiều lần con hỏi mẹ, mẹ bảo “Bố đi công tác xa lắm con ạ!”. Một ngày, hai ngày không thấy bố về, con lại hỏi mẹ: “Sao bố đi lâu thế mẹ?”. Mẹ bảo “Khi nào xong nhiệm vụ, bố sẽ về với con”. Con đã tin lời mẹ và mong ngóng ngày bố về...

Rồi thời gian cứ thế trôi đi theo năm tháng, con gái của bố đã lớn dần. Con đã biết được sự thật rằng, không phải bố đi công tác như mẹ nói mà bố đã ra đi mãi mãi, không bao giờ trở về với mẹ, với chị em con nữa. Một đứa trẻ lên 4 thôi, dù mẹ có nói thật thì lúc đó, con cũng chưa đủ hiểu để cảm nhận nỗi đau, hay mẹ không muốn gieo vào đầu đứa trẻ tội nghiệp những ký ức buồn nên mẹ đã nói dối con, con thương mẹ lắm. Bây giờ, con đã đủ lớn, đủ hiểu nên mẹ đã cho con biết về sự thật phũ phàng, đau thương đó trong lời kể và tiếng nấc nghẹn ngào.

“…Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, bố con được chính quyền tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Trưởng Công an xã ở một địa bàn vô cùng phức tạp với nhiều loại tội phạm nguy hiểm. Bố luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và được mọi người tin tưởng. Trong một lần đi tuần tra, nghe tiếng tri hô của người dân “Có cướp”, không một chút ngần ngại, một mình bố đã lao vào khống chế nhóm cướp gồm 4 tên. Sau khi lấy được tài sản cho người bị hại, quay lại thấy bọn chúng tìm cách bỏ chạy, với ý chí tấn công tới cùng, bố đã truy đuổi để bắt giữ chúng thì bất ngờ bị một tên từ phía sau lao tới dùng dao đâm vào lưng.

Vết thương đâm xuyên tim làm bố gục ngay tại chỗ. Được đồng đội đến ứng cứu, tên cầm đầu đã bị bắt. Các đồng đội đã lập tức đưa bố đi bệnh viện, lúc đó là 2 giờ sáng, khi mà cả mẹ, con và mọi người đang yên giấc. 17/11/1992 là cái ngày định mệnh đó. Do vết thương quá nặng nên mặc dù đã được các bác sĩ ra sức cứu chữa, bố đã không qua được. Bố đã ra đi mãi mãi…”. Kể đến đây thôi, hai hàng nước mắt của mẹ lại lăn dài.

Bố ơi! Bây giờ con không trách bố nữa đâu, con đã hiểu được sự ra đi của bố là như thế nào rồi. Con cũng không tủi thân nữa, con đã hiểu được sự ra đi của bố là để đem lại sự bình yên cho mọi người. Con rất tự hào vì con là con gái của một cán bộ Công an đã anh dũng hy sinh vì dân như bố. Con chỉ ngậm ngùi trong nước mắt, trong suy nghĩ một điều là con không làm gì được để xoa dịu bớt cơn đau cho bố lúc bố bị thương, vì ngày đó con còn quá nhỏ bé, ngây thơ. Và giá như ngày đó, con đủ lớn để mang vết thương đó, đau thay cho bố để bố được sống.

Giá như ngày đó, con đã trở thành một chiến sỹ Công an để thay bố làm nhiệm vụ… Bố ơi, con biết bây giờ con có nói hàng trăm, hàng ngàn từ “giá như” thì bố của con cũng không sống lại được. Nhưng bố đã ra đi, để lại niềm tự hào cho con. Con ý thức rất rõ trọng trách lớn lao nhưng vô cùng vinh quang đó. Vì thế, bố hãy yên tâm an nghỉ, bố nhé. Con gái của bố sẽ cố gắng sống, làm việc tốt và thay bố chăm sóc mẹ, chăm sóc em thật tốt. Bên con, bố luôn là ngọn lửa rực sáng, thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn con; hướng cho con phải biết vượt lên hoàn cảnh, biết đứng dậy sau những khó khăn của cuộc đời. Con đã làm được điều đó rồi bố ạ.

Bố ơi! Giờ đây, con đã là một chiến sỹ Công an, làm nhiệm vụ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và hướng dẫn xây dựng lực lượng Công an xã toàn tỉnh. Mỗi khi xuống cơ sở công tác, được tiếp xúc, làm việc với các bác, các chú, các anh là cán bộ Công an xã trên quê hương mình thì hình ảnh bố lại về trong con. Con đã trở thành đồng chí, đồng đội và cùng các đồng chí ấy tiếp bước bố - người đồng đội vinh quang và thầm lặng của con trong sự nghiệp giữ gìn bình yên cho quê hương.

Bây giờ đây, hơn lúc nào hết, con muốn nói với bố nhiều điều lắm. Nhưng điều con muốn nói nhất là, bố hãy yên tâm an nghỉ nơi chín suối. Hiện thời, hàng nghìn cán bộ Công an xã trên tỉnh mình đang học tập và làm theo tấm gương của Bác, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, lập nên những chiến tích vẻ vang. Trong sự nghiệp cao cả ấy, đã có rất nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh và bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Thế nhưng, không vì thế mà con chùn bước, bởi con luôn hiểu rằng: Trong cuộc sống và công tác, con không bao giờ đơn độc mà luôn nhận được sự yêu thương, đùm bọc, quan tâm dìu dắt của tập thể đồng chí, đồng đội và luôn có bố bên mình. Do vậy, bố hãy cứ tin tưởng vào đứa con gái nhỏ nhắn của bố ngày nào. Con hứa sẽ cố gắng hết sức mình để thay bố làm những việc mà bố đang làm dang dở trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, để xứng đáng với sự hy sinh của bố - người đồng đội của con.


                   Kính thư!    
              Con gái của bố

Trần Thị Nhung

Các tin khác