(Congannghean.vn)-Bến đò Phuống là bến đò tự quản thuộc 2 xã Thanh Giang và Thanh Yên, nối 4 xã ở huyện Nam Đàn và 6 xã của huyện Thanh Chương. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, hệ thống bến đò và đường giao thông không được quan tâm đầu tư đúng mức, cộng với ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nên bến đò đã bị sạt lở và xuống cấp nghiêm trọng.
Theo quy định, để bến đò đạt được các tiêu chí an toàn thì trước hết, các chủ phương tiện phải đảm bảo các yêu cầu, quy định của pháp luật. Ví dụ, hai bên đầu bến phải đặt biển “Bến đò an toàn”, hệ thống báo hiệu đường thủy phải được trang bị đầy đủ (đối với bến được chọn các biển báo phải được sơn mới lại); cầu dẫn lên, xuống phải được xây dựng kiên cố. Khu vực nhà chờ phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, nhà vệ sinh phục vụ tốt nhu cầu của hành khách. Tất cả các phương tiện hoạt động tại bến phải được đăng ký, đăng kiểm và tham gia bảo hiểm đầy đủ. Trên các phương tiện phải được trang bị đầy đủ áo phao, bình chữa cháy và các thiết bị đảm bảo an toàn như: Đèn, kèn, neo, cột phích...Bên cạnh đó, người lái phương tiện cần có đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.
Bến đò Phuống chưa đáp ứng được tiêu chí “Bến đò an toàn” |
Ngoài việc xây dựng các thiết chế, nội quy đảm bảo tiêu chuẩn đón, trả khách theo đúng quy định, tất cả các thuyền trưởng, thuyền viên làm việc trên các phương tiện tại những bến này còn được tập huấn công tác sơ cứu, cấp cứu nạn nhân bị ngạt nước, khi có tai nạn xảy ra. Đối chiếu với các tiêu chí trên, bến đò Phuống chỉ đáp ứng được một tiêu chí, đó là có biển chỉ dẫn ở hai đầu bến: “Bến đò an toàn Phuống”, còn các tiêu chí còn lại hầu như chưa đạt.
Trên thực tế, đường lên xuống bến đò Phuống được xây dựng thủ công, bờ kè đã bị mưa bão làm hư hỏng, xói lở, vì vậy, nhà đò phải thay đổi điểm ghé đò thường xuyên. Việc đi đò tại bến nguy hiểm là vậy nhưng các chủ đò và người qua đò luôn chủ quan, không mặc áo phao hoặc mặc thì cũng chỉ mang tính đối phó. Bên cạnh đó, mặc dù không có hệ thống đèn báo tại 2 đầu bến nhưng vào ban đêm, tại bến đò Phuống vẫn diễn ra tình trạng chở khách quá tải, lên đến 30 - 40 người/chuyến, trong khi theo quy định chỉ được phép chở 12 người/chuyến. Đó là chưa kể việc trên đò không có lan can chắn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cho hành khách khi đi đò. Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trên bến đò này.
Theo phản ánh của người dân, phần bến đò và khu vực nhà chờ được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2012 nhưng chỉ khoảng 6 - 7 tháng sau, phần nền đã bị xói lở, đất, đá trôi xuống sông khiến cho chủ đò phải cập bến tại địa điểm cách bến 10 m. Hiện tại, nhà chờ của bến không được sử dụng, chỉ còn lại phần mái nhà, biến nơi này thành nơi trú mưa cho trâu bò. Trong khi đó, người đi đò phải chịu cảnh mưa nắng khi đứng chờ đò ngoài trời.
Hơn bao giờ hết, người dân nơi đây đang mong muốn có một bến đò an toàn để việc đi lại thuận tiện hơn cũng như đảm bảo an toàn tính mạng mỗi khi qua sông.
.