(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, ngành y tế nói chung, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) nói riêng đã có nhiều nỗ lực trong công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chính sách DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức báo động.
Theo số liệu thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, năm 2014, toàn tỉnh có 56.141 trẻ được sinh ra, trong đó có 9.662 trẻ là con thứ 3 trở lên, chiếm 17,21%. Một số địa phương có tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao như Đô Lương, Yên Thành, Kỳ Sơn, Con Cuông...
Mặc dù, trong thời gian qua, đã có Pháp lệnh Dân số và nhiều chỉ thị, quy định xử phạt đối với trường hợp sinh con thứ 3 trở lên nhưng hiện nay, tình trạng trên không chỉ xảy ra ở những người dân vùng giáo, miền núi, vùng biển mà còn có thể bắt gặp ngay trong đội ngũ đảng viên, cán bộ công nhân viên chức. Trong đó, đối tượng đảng viên là giáo viên vi phạm quy định trên có chiều hướng gia tăng.
Cán bộ, cộng tác viên dân số tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ cho người dân vùng dân tộc thiểu số |
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, tuy nhiên, phần lớn là do tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, quan niệm phải có con trai nối dõi tông đường vẫn còn khá nặng nề ở nhiều gia đình, trong đó có cả cán bộ đảng viên. Thực tế, phần lớn phụ nữ vẫn chưa có quyền chủ động trong việc sinh con mà phải chịu sức ép từ phía gia đình chồng. Mặt khác, do đời sống của người dân được nâng cao, kinh tế phát triển, nhiều gia đình dù đã “có nếp, có tẻ” nhưng vẫn muốn sinh thêm con cho “vui nhà, vui cửa” và đề phòng “tai nạn”, “rủi ro”.
Một nguyên nhân nữa là do các hình thức xử lý vi phạm còn nhẹ, thiếu sự thống nhất. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về chính sách DS-KHHGĐ chưa đầy đủ, còn hạn chế; họ cố tình tìm cách “lách” luật và sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật để sinh thêm con. Những hình thức kỷ luật mà những người vi phạm chính sách DS-KHHGĐ phải chịu là cảnh cáo, khiển trách, kéo dài thời gian nâng lương hay chuyển đơn vị1công tác..., tuy nhiên vẫn không đủ sức răn đe. Chính vì vậy, để kiểm soát tình trạng sinh con thứ 3 trở lên như hiện nay thực sự là “bài toán” khó.
Chị Nguyễn Thị Hiền trú tại xóm 6, xã Liên Thành, huyện Yên Thành cho biết: “Vợ chồng tôi lấy nhau được gần 15 năm và đã có 4 người con, nhưng đều là con gái. Vì vậy, chồng và gia đình rất mong muốn có được đứa con trai. Mặc dù tuổi đã nhiều, biết sinh đông con sẽ vất vả, nhưng tôi cũng đành phải nghe theo lời chồng và gia đình”.
Tỉ lệ sinh con thứ 3 tăng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng dân số, mất cân bằng giới tính, làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời tạo áp lực lớn đối với công tác an sinh xã hội. Chính vì vậy, để thực hiện tốt khẩu hiệu “Dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”, các cấp, ngành cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Cần xem công tác DS-KHHGĐ là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, là một nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của chính quyền và các ngành, đoàn thể.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cả về bề rộng lẫn chiều sâu để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Cộng tác viên dân số tại địa bàn quản lý cần thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, giúp họ thông suốt về tư tưởng, giải tỏa về tâm lý. Đặc biệt, nêu cao vai trò gương mẫu, tự giác chấp hành chính sách của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện công tác này. Đồng thời, cần có thêm những chính sách, chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
.