Gia đình xã hội
Nữ thuyết minh, người 'giữ lửa' cội nguồn
10:37, 17/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Giữa những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi hành hương về quê nội Bác Hồ ở Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Tôi đứng cạnh một đoàn khách đến từ Thừa Thiên Huế, lắng nghe những câu chuyện kể về Bác Hồ bằng giọng nói lôi cuốn, đầy truyền cảm của người nữ thuyết minh, ai nấy cũng đều rưng rưng xúc động.
Người có giọng kể đầy sức lôi cuốn mà tôi muốn nhắc đến là chị Phạm Thị Oanh, nữ thuyết minh đang làm việc tại Khu di tích Kim Liên, là gương mặt trẻ giành giải Nhất tại Hội thi thuyết minh viên giỏi tỉnh Nghệ An vừa được tổ chức. Bằng những câu chuyện kể xúc động về Người, chị đã truyền thêm ngọn lửa tình yêu, sự kính trọng của du khách đối với Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Tốt nghiệp khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm Huế năm 2009, chị Phạm Thị Oanh nộp đơn xin được làm thuyết minh viên tại Khu di tích Kim Liên. Nhờ vốn kiến thức lịch sử cùng với giọng nói đầy truyền cảm, chị đã trúng tuyển và làm việc tại đây cho đến bây giờ. Kiến thức lịch sử về Bác là vô tận, chính vì vậy, những ngày đầu làm việc, chị gặp rất nhiều khó khăn, từ giọng nói đến điệu bộ, cử chỉ... Tuy nhiên, với tình yêu nghề, lòng tôn kính đối với Bác cũng như không ngừng học hỏi từ những người đi trước, chị đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chị Phạm Thị Oanh kể chuyện về Bác Hồ cho đoàn khách đến từ TP Huế |
Trong ngôi nhà thuở thiếu thời của Bác luôn ngân vang giọng nói đầy truyền cảm của chị. Những câu chuyện về Bác vốn dĩ đã xúc động lòng người, nay càng xúc động, lôi cuốn hơn qua lời dẫn dắt của nữ thuyết minh. Đó là câu chuyện những ngày Bác về thăm quê, ngôi nhà tranh vách nứa còn đó nhưng những người thân ruột thịt đã đi xa, câu chuyện về những kỷ vật, kỷ niệm thời gia đình Bác còn quây quần, đoàn tụ... Điều mà chị Oanh cảm thấy hạnh phúc nhất là sau mỗi câu chuyện của mình, chị cảm nhận được sự xúc động, tình cảm lớn lao của các du khách đối với Bác; những cái nắm tay, ôm chặt thể hiện sự biết ơn mà họ dành cho chị. Điều đó trở thành động lực tinh thần to lớn để chị tiếp tục cống hiến, say mê với nghề.
Nhắc đến Hội thi thuyết minh viên giỏi tỉnh Nghệ An vừa qua, chị Oanh chia sẻ: “Hội thi thật sự bổ ích, giúp mình có cơ hội bổ sung thêm những kiến thức nghiệp vụ cũng như đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác. Có thể nói, Hội thi đã góp phần làm chuyên nghiệp hóa đội ngũ thuyết minh viên trên địa bàn tỉnh ta”. Trải qua 2 vòng thi sơ khảo và chung khảo, với phần thi hùng biện “Bác Hồ với thiếu nhi” và thi thuyết minh về ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc, thi ứng xử tình huống, chị Phạm Thị Oanh đã xuất sắc giành giải Nhất Hội thi.
Tháng 5 về, những ngày này, công việc của những nữ thuyết minh như chị Oanh lại thêm phần bận rộn. Những đoàn khách khắp mọi miền Tổ quốc và cả du khách quốc tế quây tụ về đây để tưởng nhớ Bác. Được chứng kiến tình cảm mà mọi người dành cho Bác, trong chị luôn trào dâng niềm vui mừng lẫn xúc động. Chia tay chị khi đã quá trưa nhưng chị vẫn đang phải tất bật tiếp đón một đoàn khách tận Lai Châu mới vào. Những câu chuyện về Bác Hồ cứ kéo dài như vậy, đã và đang tiếp nối mãi đến tận mai sau.
Phan Tuyết