Gia đình xã hội
Người vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ
15:27, 11/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong suốt cuộc đời của mình, bà Nguyễn Thị Nhâm trú tại xóm 10, xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (73 tuổi), nguyên là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện đã may mắn 2 lần được gặp Bác Hồ. Mỗi lần được gặp Bác là cả một hạnh phúc lớn lao, để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Những lời chỉ dạy của Bác là nguồn động viên tinh thần to lớn; những tác phong, cử chỉ, hành động của Bác đã có tác động rất lớn, là động lực để bà nỗ lực phấn đấu trong công việc lẫn cuộc sống.
Lần đầu tiên bà Nhâm được gặp Bác Hồ là vào năm 1965. Năm đó, Trung ương Đoàn tổ chức Đại hội Thanh niên xung phong tình nguyện miền Bắc. Lúc này, bà Nhâm là Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Lưu khi mới 23 tuổi và được tham gia vào Đoàn Nghệ An dự Đại hội. Đại hội đã vinh dự được Bác Hồ đến dự và phát biểu. Tất cả đại biểu dự Đại hội rất vui mừng khi được gặp Bác, trong đó, rất nhiều người lần đầu tiên được gặp Người. Bà Nhâm vẫn nhớ ấn tượng đầu tiên về Bác là sự giản dị, nét mặt hiền hậu, dáng người cao, thanh thoát và di chuyển rất nhanh nhẹn. Trong bài phát biểu, Người nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của thanh niên xung kích trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Lần thứ hai bà Nhâm được gặp Bác Hồ là sau chuyến đi học tập về nông nghiệp tại tỉnh Thái Bình trở về vào giữa năm 1968. Trước đó, vào cuối năm 1967, tỉnh Nghệ An tổ chức một đoàn đi học nông nghiệp, chủ yếu là học cách làm 5 tấn lúa/ha của tỉnh Thái Bình. Đoàn có 25 người, gồm lãnh đạo tỉnh, huyện, chủ nhiệm hợp tác xã, đội trưởng sản xuất của một số huyện.
Bà Nguyễn Thị Nhâm luôn khắc ghi lời Bác dạy, nỗ lực không ngừng trong công việc và cuộc sống |
Khoảng tháng 6/1968, sau 6 tháng học tập làm vụ đông xuân đạt kết quả cao, trên đường trở về Nghệ An, đoàn được đặt chân đến thủ đô Hà Nội. Cùng lúc đó, các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy và một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt một số huyện của tỉnh Nghệ An đi ra Hà Nội đã tham dự cùng với đoàn. Một vinh dự lớn dành cho đoàn là mọi người được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.
Lúc mọi người vừa ổn định chỗ ngồi, Bác bất ngờ xuất hiện từ cửa sau. Mọi người hết sức vui mừng, hạnh phúc vì được gặp Bác. “Bác ăn mặc rất giản dị như lần đầu tôi được gặp, nhưng Bác đã già yếu hơn. Bác mặc bộ quần áo lụa màu trắng, cổ có quấn khăn dài quấn thuốc ở bên trong vì Người đang ốm”, bà Nhâm hồi tưởng lại.
Bác căn dặn đoàn: “Các cô, các chú đi Thái Bình để học làm “5 tấn” là việc làm rất tốt, nhưng các cô, các chú phải biết đất Thái Bình khác, đất Nghệ An khác; người Thái Bình khác, người Nghệ An khác. Các cô, các chú không thể đặt 5 tấn của Thái Bình lên Nghệ An là Nghệ An đạt được 5 tấn. Các cô, các chú cần học hỏi sự cần cù, sáng tạo, cách làm của người ta. Bác chúc các cô, các chú sớm đưa 5 tấn vào Nghệ An, để sau này miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, đồng bào miền Nam ra Nghệ An học, đừng để đồng bào miền Nam ra Thái Bình phải đi xa thêm một đoạn đường”.
Những lời Bác dạy trong buổi nói chuyện đã trở thành chỉ thị đối với đoàn, trở thành “kim chỉ nam” để mỗi người không ngừng cố gắng thực hiện điều mà Người mong muốn.
Ngay sau khi các đồng chí huyện Quỳnh Lưu tham gia đoàn trở về, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tổ chức họp xây dựng kế hoạch đưa mô hình 5 tấn lúa/ha thực hiện tại huyện Quỳnh Lưu. Lãnh đạo huyện xác định nơi thí điểm chính là ở xã Quỳnh Hồng (là xã duy nhất của huyện có lãnh đạo UBND, hợp tác xã và đội trưởng sản xuất tham gia đi học tập), đây cũng là điểm chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Thị Nhâm, các điểm phụ là các xã Quỳnh Bá, Quỳnh Hậu.
Từ năm 1969 - 1971 đánh dấu một sự kiện có tính lịch sử trên mặt trận nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu: 13 xã đạt năng suất 5 tấn lúa/ha, trong đó có 4 xã đạt từ 6 tấn/ha trở lên. Xã Quỳnh Hồng là “lá cờ đầu” về thâm canh, đạt năng suất 8 tấn/ha.
Bà Nhâm cho biết: “Những lời Bác nói rất cụ thể, giản dị nhưng để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc. Qua 2 lần gặp, tôi thấy ở Bác toát lên phong cách làm việc rất khoa học, cụ thể, luôn bám sát thực tiễn. Trong mỗi vấn đề nêu ra, Người luôn quan tâm đến đời sống thiết thực hàng ngày của nhân dân. Những lần vinh dự, may mắn được gặp Bác đã giúp tôi nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm hoàn thành tốt mọi công việc. Tôi học tập ở Người trong cách chỉ đạo phải rất cụ thể, thiết thực, mỗi vấn đề phải gắn với đời sống của dân”, bà Nhâm cho biết.
Trong suốt cuộc đời của mình, với bà Nhâm, 2 lần được gặp Bác Hồ mãi là niềm tự hào, là kỷ niệm sâu sắc nhất.
Vân Đình