Gia đình xã hội

Nhức nhối nạn bạo lực gia đình

Xin hãy lắng nghe tiếng lòng con trẻ

08:35, 09/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chẳng ai muốn mình là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, không ai muốn con trẻ phải sống trong cảnh cha mẹ ly tán. Thế nhưng, đâu đó trong xã hội, vẫn còn nhiều những mảnh đời phải hàng ngày, hàng giờ đau đáu nỗi niềm khó chia sẻ cùng ai. Trong gia đình, có lẽ, người chịu tác động lớn nhất và ám ảnh nhất về nạn bạo lực gia đình vẫn là những đứa trẻ. Vì thế, những bậc làm cha, làm mẹ, dẫu có mâu thuẫn, không hài lòng về nhau, xin hãy dừng lại một phút, hãy ghìm lòng trước những cơn nóng giận, để lắng nghe tiếng lòng con trẻ, để nghĩ suy trước những việc làm của mình tới sự phát triển lâu dài của các con.
Đừng để mỗi đứa trẻ phải gánh hậu quả nặng nề từ nạn bạo lực gia đình - Ảnh minh hoạ
Đừng để mỗi đứa trẻ phải gánh hậu quả nặng nề từ nạn bạo lực gia đình - Ảnh minh hoạ
 
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang tại thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên là một người đàn ông trung tuổi. Trên khuôn mặt khắc khổ, vất vả cả cuộc đời như lời ông tâm sự, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi khi ông chia sẻ về đứa con nghịch tử của mình. Ông có 4 người con, nhưng đứa làm ông đau đớn và lo lắng nhất là Nguyễn Lương Hải (SN 1982) - người gây ra vụ việc đốt xe, hủy hoại tài sản nhà vợ xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua.
 
Từ nhỏ, Hải là một đứa trẻ nghịch ngợm. Lớn lên, tuy đã lập gia đình nhưng Hải cũng chẳng chịu tu chí làm ăn mà còn khiến ông buồn lo hơn khi “bập” vào ma túy. Rồi Hải có con, những tưởng đứa con sẽ là điều kỳ diệu giúp Hải đổi thay tâm tính, tu chí làm ăn để chăm lo cho gia đình. Nhưng những cơn nghiện ma túy đã khiến Hải mụ mẫm và gây ra vụ việc động trời trên. Từ nhỏ, vì nhiều lý do, cháu N.H.K.Q. - con gái Hải đã phải sống với ông bà nội. Hôm xảy ra vụ việc, Hải có đưa con sang bên ngoại. Nào đâu, cơ sự lại xảy ra như vậy… 
 
Nhìn khuôn mặt ngây thơ, ngơ ngác của cháu Q., chẳng ai nghĩ, cháu vừa phải chứng kiến sự việc đau lòng như vậy. Mấy hôm nay thời tiết nắng nóng, Q. sốt liên miên, nhưng có ai đó nhắc về bố, cô bé lại hồn nhiên, tươi tỉnh hẳn lên. Thiếu thốn tình cảm từ nhỏ, giờ bố bị tạm giữ, trông Q. càng tội nghiệp hơn. Bao tài sản trong nhà đã bị Hải cho “bay” theo ma túy, giờ cháu Q. đang được ông bà nội nuôi nấng, đùm bọc, chờ ngày bố được trở về cuộc sống tự do. Tại cơ quan điều tra, Hải lúc nào cũng nhắc về con gái và trách mình trong một phúc không kiềm chế được bản thân, đã sai lầm để con gái phải chịu nỗi đau lớn.
 
Và Hải cứ ước ao giá như mình đừng dính đến ma túy, giá như mình tỉnh táo một chút, giá như vợ chồng đừng mâu thuẫn... thì con gái đã không phải khổ, không phải cô đơn, buồn tủi vì thiếu vắng tình cảm của bố mẹ. Tuy nhiên, những điều ước ao ấy chỉ là ngụy biện, bởi nếu đã thương con, Hải sẽ không bao giờ gây ra vụ việc đau lòng trên, nhất là trước mắt con gái. Cháu Q. đang còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, nhưng rồi lớn lên, nếu biết bố mình đã có những hành động côn đồ với ông bà ngoại, thì nỗi đau đó sẽ ám ảnh Q. mãi mãi.
 
Q. không phải là đứa trẻ duy nhất phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình. Trong thời gian qua, đã có không ít vụ bạo lực gia đình xảy ra, gây đau đớn cho chính những người vợ, người mẹ và nhất là những đứa con còn thơ dại. Mới đây nhất là vụ việc xảy ra tại xóm Sen 3, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ông Nguyễn Văn Hải (SN 1966) đã đánh vợ là bà Chu Thị H. (SN 1970) khiến bà H. phải khâu 7 mũi. Bà Nguyễn Thị Hường, Xóm trưởng xóm Sen 3 cho biết, đây không phải là lần đầu tiên ông Hải đánh bà H..
 
Nhiều lần, ban hòa giải của xóm đã đến khuyên giải, phân tích đúng sai để ông, bà cư xử đúng mực với nhau, nhưng chưa đạt kết quả. Lần nào, ông Hải cũng hứa sửa sai nhưng rồi được vài hôm, khi bị rượu chè dẫn lối, ông lại dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn khó nói trong quan hệ vợ chồng. Bà Hường cho biết thêm, ngày 19/4, ông Hải đuổi đánh buộc bà H. phải chạy trốn, sau đó, ông khóa trái cửa, không cho ai vào nhà. Ban hòa giải đã phải đưa bà H. xuống Trạm xá xã Kim Liên để băng bó vết thương.
 
Ông Hải, bà H. cũng đã lên chức ông bà ngoại. Ngoài hai người con lớn, ông bà còn có cậu con trai năm nay đang học lớp 7. Vì thế, hành xử của ông Hải không chỉ khiến bà H. đau đớn về thể xác, bị đè nén về tinh thần mà còn tác động xấu tới quá trình phát triển tâm sinh lý của các con trẻ. Chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, phải bảo vệ mẹ trước đòn roi của bố nhiều lần không thành sẽ khiến các con bà sứt mẻ tình cảm với bố, hình thành suy nghĩ, tâm lý không tốt, nhất là những quan niệm về mái ấm gia đình. Liệu ông Hải có nghĩ đến một ngày, con trai ông cũng sẽ trở thành trụ cột gia đình. Và khi đó, tấm gương xấu của ông sẽ là vết sẹo khó phai mờ trong lòng nó?
 
Chứng kiến cảnh bạo lực gia đình đã đành, trong nhiều trường hợp, những đứa trẻ còn là nạn nhân trực tiếp trước những đòn roi của người lớn. Câu chuyện về cậu bé N. trú tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, bị bố đẻ dùng móc quần áo đánh gây tổn hại sức khỏe 7% khiến nhiều người không khỏi đau lòng. Sự việc xảy ra cũng chỉ vì cậu bé lấy 100.000 đồng của bà nội để đi trượt patin. Dù trước đó, Võ Cát Trà (bố N.) đã đánh mẹ N. nhiều lần phải nhập viện, bị Công an xã xử phạt hành chính về hành vi cố ý gây thương tích, nhưng chẳng ai nghĩ, Trà lại có thể đánh con tàn nhẫn đến vậy.
 
Dạy con tránh xa thói hư tật xấu là tốt, nhưng có nhất thiết phải trói con vào cột nhà, đánh đến máu chảy khắp người. Nỗi đau thân thể theo thời gian sẽ dần lành lại, những vết bầm tím kia sẽ tan, nhưng nỗi đau, sự ám ảnh về những trận đòn nhừ tử kia sẽ thành “vết sẹo lớn” trong tâm hồn non trẻ của N.. Do vợ đi xuất khẩu lao động nên Trà được tại ngoại để chăm sóc con. Chỉ mong rằng, trong thời gian ở nhà, Trà sẽ suy nghĩ lại về cách hành xử của mình, đừng để cháu N. một lần nữa phải viết đơn tố cáo hành vi của bố đến cơ quan pháp luật và cũng đừng để N. phải đau đớn thêm một lần nữa, cả về thể xác lẫn tinh thần.
 
Bạo lực gia đình chưa bao giờ là vấn đề mới nhưng sẽ không cũ với rất nhiều gia đình, những số phận đáng thương. Nhằm hạn chế tình trạng này, cần sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt của các cấp, ngành, trong đó, vai trò của tổ hòa giải là rất quan trọng. Đó chính là cầu nối hàn gắn, giải quyết những mâu thuẫn, xung đột tại các gia đình, để các bậc làm cha, làm mẹ suy nghĩ chín chắn trước mỗi hành động của mình, để mỗi đứa trẻ không phải gánh chịu hậu quả nặng nề, đau lòng của nạn bạo lực gia đình.

Mai Hậu

Các tin khác