Gia đình xã hội

Tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp

Sai phạm rõ ràng nhưng vẫn không xử lý

07:51, 07/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Một lô đất nằm trong trụ sở UBND xã đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), liên tiếp trong 3 nhiệm kỳ với 3 thế hệ lãnh đạo chủ chốt của xã đã tự ý cho một số hộ dân liền kề "cơi nới" sai mục đích. Không những thế, Chủ tịch UBND xã đương nhiệm do "thiếu sâu sát" đã để cán bộ dưới quyền "giúp đỡ" khi không khai tử cho bố đẻ của mình để nhận tiền bảo trợ xã hội trong thời gian dài. Tất cả những việc làm trên đã gây bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương. 
 
Đất ao cá của xã... thành đất thổ cư
 
Trụ sở UBND xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp được cấp có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ số BS 107104 với tổng diện tích 8.318 m2, sử dụng ổn định trong nhiều năm qua tại xóm Dinh. Trong số diện tích trên, có một phần diện tích được làm ao cá trong khuôn viên UBND xã, nằm cạnh một số hộ liền kề từ QL48 nhìn vào. Năm 2001, hộ ông Tống Đức Trường có nhà ở phía Nam tiếp giáp với ao đã có đơn đề nghị xin được khoán thầu ao nuôi cá trong thời hạn 20 năm (thu tiền 1 lần 10 triệu đồng). Tuy nhiên, những năm ông Trường sử dụng diện tích 78 m2 đất để làm ao nuôi cá không mang lại hiệu quả, bởi ảnh hưởng từ nguồn nước sinh hoạt của các hộ gia đình và dư lượng thuốc trừ sâu xung quanh.
Diện tích đất ao cá bị các hộ dân liền kề cơi nới, lấn chiếm sai quy định trong nhiều năm
Diện tích đất ao cá bị các hộ dân liền kề cơi nới, lấn chiếm sai quy định trong nhiều năm
Năm 2014, có 2 hộ liền kề là bà Nguyễn Thị Phương và ông Đậu Văn Tường  ở xóm Dinh làm đơn xin được cơi nới đất ở phía sau ra đất ao cá. Qua 2 lần xem xét, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Nghĩa Xuân đã đồng ý cho các hộ cơi nới (yêu cầu đảm bảo thủ tục và đóng đầy đủ các loại phí, thuế Nhà nước). Tuy nhiên, sau khi được Đảng ủy, chính quyền xã thống nhất, các hộ trên không thực hiện như cam kết mà tổ chức thuê xe đổ đất san lấp mặt bằng, xây dựng bờ kè chống lũ, cơi nới diện tích khi chưa được cấp GCNQSDĐ, trái quy định, ảnh hưởng đến quy hoạch cũng như hiện trạng đất ban đầu. 
 
Trước sự việc này, ngày 14/7/2014, xã Nghĩa Xuân đã phát hiện và tiến hành lập biên bản đình chỉ các việc làm trái phép trên trước sự chứng kiến của các hộ dân, ban cán sự xóm và các ban, ngành của xã. Tại đây, đoàn đã yêu cầu các hộ dừng việc đổ đất cũng như xây dựng trên diện tích đất chưa được cấp phép, cho đến khi có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Chủ trương và biện pháp đối với các bên là vậy, nhưng được một thời gian, đến ngày 25/12/2014, 3 hộ trên tiếp tục đổ đất.
 
Trong thời gian nghỉ Tết Dương lịch 2015, lợi dụng sự thiếu kiểm tra, giám sát, các hộ này lại cho người và phương tiện san đổ. Trước tình hình đó, trong các ngày 1/1 và 17/1/2015, xã đã tiến hành lập biên bản đình chỉ, đồng thời xử phạt hành chính các hộ trên. Đến ngày 26/1, các hộ trên đã chấp hành việc tháo dỡ và cam kết không tự ý tái lấn chiếm khu vực đã được UBND xã giải tỏa.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, liên quan đến những phản ánh, kiến nghị về việc sử dụng đất tại UBND xã Nghĩa Xuân, ngày 17/3/2015, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quỳ Hợp đã vào cuộc xác minh, kiểm kê hiện trạng và lập biên bản, song đến nay chưa công khai kết quả đã dẫn đến việc đơn thư gửi tới nhiều cơ quan, ban, ngành, ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương.
 
Bố đẻ mất sau gần 1,5 năm mới... khai tử
 
Ông Thái Bá Thiêm (bố đẻ ông Thái Bá Lâm, Bí thư Đảng uỷ xã Nghĩa Xuân) là thân nhân liệt sỹ (có con trai là liệt sỹ) và thuộc đối tượng hưởng chế độ trợ cấp người cao tuổi đã mất vào tháng 10/2010 (Lúc đó ông Lâm đang là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân). Theo quy định, sau khi bố mất, với nghĩa vụ công dân, ông Lâm (hoặc người nhà) phải có trách nhiệm khai tử cho người thân của mình theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, không hiểu vì "quên" hay có mục đích cá nhân gì mà mãi đến tháng 12/2011, gia đình ông Lâm mới cắt chế độ thân nhân liệt sỹ và đến tháng 8/2012 mới cắt chế độ trợ cấp người cao tuổi.
 
Đồng nghĩa với việc, gia đình ông Lâm đã khai man để hưởng 14 tháng tiền trợ cấp thân nhân liệt sỹ và 22 tháng tiền bảo trợ xã hội, với tổng số tiền lên đến gần 15.600.000 đồng. Lý giải về vấn đề này, ông Lâm cho rằng, do bản thân có nhiều công việc, lại thiếu kiểm tra cán bộ chuyên môn nên mới để xảy ra tình trạng trên. Trong khi đó, người có vai trò trực tiếp, quyết định đến quy trình hồ sơ, thủ tục chi trả là 2 cán bộ Đinh Hồng Anh (kế toán) và Nguyễn Đình Đạm (cán bộ chi trả) lại cho rằng, sau khi ông Thiêm mất, xét thấy bà Tiu là vợ tuổi cao, sức yếu, bệnh tật nên không làm thủ tục cắt chế độ của ông theo đúng quy định mà vẫn lập danh sách chi trả hàng tháng thêm một thời gian nữa!
 
Cũng liên quan đến sự việc này, Huyện ủy Quỳ Hợp đã xác minh, làm rõ, có kết luận về việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên nhưng không có hình thức xử lý thích đáng, khiến dư luận rất bất bình. Ông Nguyễn Công Kích, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quỳ Hợp cho biết: "Mặc dù kết quả kiểm tra của Tổ đã khẳng định những vi phạm của ông Thái Bá Lâm là rõ, song xét các yếu tố về quá trình công tác, đóng góp, thành tích cá nhân và trách nhiệm bồi hoàn lại tiền sau kiểm tra nên các thành viên thống nhất không xem xét kỷ luật đối với cá nhân. Vấn đề này cũng đang được Ban Nội chính Tỉnh ủy kiểm tra". 
 
Rõ ràng, việc người đứng đầu xã Nghĩa Xuân để xảy ra những vấn đề "nổi cộm", nhạy cảm về đất đai tại địa phương, đặc biệt là thực hiện chi trả sai chế độ ưu đãi đối tượng chính sách, người đã chết nhưng vẫn được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, không đúng quy định của ông Lâm và các cán bộ liên quan là không hề nhỏ. Thế nhưng, công tác kiểm tra, xử lý sau thanh tra, kiểm tra của cơ quan liên quan huyện Quỳ Hợp xem ra còn có yếu tố "nể nang", chưa đủ sức thuyết phục, giáo dục đối với nhiều người. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những vấn đề trên.

Xuân Thống

Các tin khác