Gia đình xã hội
Người Nùng ở Trà Lân
07:59, 14/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Gần 20 năm trước, trên miền Trà Lân ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông đã chứng kiến một thời khắc hết sức ý nghĩa. Một tộc người sinh sống ở vùng đất Cao Bằng đã đến miền Tây Nghệ An để sinh cơ lập nghiệp. Cũng chừng ấy thời gian, giữa ngút ngàn núi rừng, tại vùng đất này hình thành nên một ngôi làng nhỏ: Làng của đồng bào dân tộc Nùng ở 2 bản Trung Yên và Trung Hương. Ngày nay, cuộc sống của hơn 100 người dân nơi đây đã đổi thay, dù còn phải đối diện với nhiều khó khăn của cuộc sống, nhưng họ luôn đùm bọc, thương yêu nhau và mang trong mình niềm tin yêu, tự hào với cuộc sống mới.
Cuộc thiên di lịch sử
Gần 2 thập kỷ trôi qua, những người con từng sinh sống ở vùng rừng núi phía Bắc của Tổ quốc, hôm nay có mặt tại đây, trên miền Trà Lân, xã Yên Khê, huyện Con Cuông cũng đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", nhưng khi nhắc lại thời khắc lịch sử ấy, ai nấy cũng đều nhớ như in. Ngày đặt chân đến đây, vùng đất này vốn là đồi hoang vắng, thưa thớt những nếp nhà của cư dân bản địa là những người Thái, người Kinh. Khoảng 5 - 7 hộ dân cùng người thân của mình đến đây sinh cơ lập nghiệp, gặp muôn vàn khó khăn vào buổi ban đầu.
Già làng Nông Văn Sáng, người có uy tín tiêu biểu (phía trong bên trái) kể về quá trình lập nghiệp của người Nùng ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông |
Nắm bắt, chia sẻ với khó khăn ban đầu này, chính quyền địa phương đã kịp thời động viên bà con chăm lo sản xuất, sớm ổn định cuộc sống. Như một luồng gió mới, tại miền quê mới này, những truyền thống quý báu của dân tộc Nùng nơi vùng cao Tây Bắc lại có dịp được thể hiện. Người có kinh nghiệm hướng dẫn người chưa biết, người biết ít hỗ trợ người chưa quen, vì thế, từ 5 - 7 hộ dân tộc Nùng ban đầu đến với Yên Khê nay đã lên đến 25 hộ, 108 nhân khẩu, từng bước thích nghi và hòa nhập với cuộc sống nơi đây.
Với bản chất chịu thương, chịu khó cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của cả cộng đồng, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn đã khởi sắc từng ngày. Đi đôi với việc phát triển kinh tế, ba dân tộc anh em Kinh, Thái, Nùng đã đồng cam cộng khổ, ra sức làm ăn, xóa đói giảm nghèo và khôi phục, giữ gìn sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc.
Làm giàu trên quê mới
Đến vùng đất mới, việc đầu tiên là các hộ dân tập hợp lại, giao nhiệm vụ cho từng người rồi cùng nhau khai hoang mở đất, dựng nhà ở, lao động để kiếm cái ăn. Từ những ngôi nhà tre, nứa sập sệ, qua quá trình lao động sản xuất, chịu khó học hỏi cách làm ăn, phát triển kinh tế, nay tất cả hộ đồng bào dân tộc Nùng ở Yên Khê đã có nhà cửa khang trang.
Nhìn những nương chè nối nhau chạy dài tít tắp, Trưởng bản Trung Hương Nguyễn Đức Long tâm sự: Cây chè cho nông dân Yên Khê sự no ấm và chính cây chè cũng là "cây đổi đời" cho người Nùng ở Trung Yên, Trung Hương. Trước kia, vùng đất này không có ruộng, nguồn nước khan hiếm, nhưng nhờ sự chịu thương, chịu khó cùng ý chí làm giàu, bà con đã học hỏi và bắt tay vào việc trồng chè. Giờ đây, nhiều gia đình trong thôn đã có cả nương chè rộng hàng nghìn m2, mang lại nguồn thu hàng chục triệu đồng/năm. Không chỉ trồng chè, khai hoang, phát triển cây lúa nước, bà con còn đẩy mạnh chăn nuôi gia súc như nuôi dê nhốt, trâu bò... lên đến hàng trăm con. Điển hình trong số đó là các hộ ông Đặng Văn Thông, Dương Văn Thí, Nông Văn Sáng...
Già Nông Văn Sáng từ lâu đã trở thành "điểm tựa" vững chắc cho đồng bào Nùng ở Yên Khê. Rời xã Cải Viên, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, năm 1993, ông cùng vợ và 3 người con dắt díu nhau về sinh cơ lập nghiệp tại thôn Trung Yên. Là một đảng viên gương mẫu, già còn là người cao tuổi có uy tín, từng hai lần đại diện cho bà con người Nùng đi dự Đại hội các dân tộc thiểu số huyện Con Cuông và Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An vào tháng 8/2014.
Là "linh hồn" của đồng bào Nùng ở Yên Khê, những năm qua, già Nông Văn Sáng đã phát huy vai trò "đầu tàu" trong việc chăm lo phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, đặc biệt là cầu nối giữa các dân tộc ở địa phương với bà con người Nùng. Già luôn gần gũi với dân bản, kịp thời nắm bắt chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, tranh thủ vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với đồng bào.
Nói đến sự đổi thay của người dân cũng như sự phong phú của cộng đồng các dân tộc ở xã Yên Khê, nhất là khi có sự xuất hiện của đồng bào Nùng, Chủ tịch UBND xã Vi Văn Đậu phấn khởi cho biết: Qua hàng chục năm đồng cam cộng khổ với đồng bào bản địa, bà con dân tộc Nùng nơi đây luôn đoàn kết, gắn bó, chăm chỉ, cần cù trong phát triển kinh tế.
Không những với địa phương mà nhiều năm qua, giữa đồng bào Nùng ở Yên Khê với dân tộc Nùng ở Cao Bằng cũng luôn có sự gặp gỡ, trao đổi về cách làm ăn, cũng như các phong tục tập quán. Chính người Nùng đã mang hình thức canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang về với vùng đất này, làm đa dạng thêm các hình thức sản xuất. Nhờ đó, người dân nơi đây không chỉ tự cung, tự cấp các sản phẩm phục vụ cuộc sống mà còn đem đến những phương thức mới trong việc tạo ra các sản phẩm hàng hóa, xây dựng cuộc sống ổn định, bền vững.
Đến với Yên Khê hôm nay, có thể nhận thấy sức sống mới đang trỗi dậy từng ngày. Từ những ngày gian khó trong buổi đầu “vỡ đất", vùng đất lịch sử Trà Lân đã chứng kiến bao sự đổi thay của các dân tộc nơi đây trong công cuộc chống lại đói nghèo. Sự “vươn mình” hôm nay của đồng bào Nùng thể hiện lòng quyết tâm của mỗi người dân, sự đồng lòng, chung sức của cả cộng đồng xã hội trong sự nghiệp dựng xây quê hương mới ngày càng no ấm, giàu mạnh, dưới ánh sáng soi đường của Đảng.
Xuân Thống