Gia đình xã hội

Dịch sốt xuất huyết và bệnh chân tay miệng diễn biến phức tạp

Hãy cẩn trọng!

10:19, 23/04/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Năm 2014, Việt Nam ghi nhận khoảng 31.850 trường hợp bị sốt xuất huyết, trong đó có 20 ca tử vong, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Riêng 3 tháng đầu năm 2015, cả nước có 8.320 ca bị sốt xuất huyết. Theo dự báo của các chuyên gia y tế, năm 2015, dịch bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, bởi vậy, cần tăng cường công tác phòng dịch để kiểm soát tốt.
 
Dịch sốt xuất huyết trên thế giới và khu vực hiện nay đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh gia tăng ở nhiều quốc gia phát triển như: Singapore, Nhật Bản, Malaysia... Trên địa bàn cả nước, sốt xuất huyết xuất hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong nhiều năm qua mà chưa được khống chế thành công. Theo báo cáo của ngành y tế, trong 2 tháng đầu năm 2015, bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng tại một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Số ca mắc bệnh chân tay miệng ghi nhận tăng tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.  
Biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết là tiêu diệt bọ gậy - Ảnh minh họa
Biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết là tiêu diệt bọ gậy - Ảnh minh họa
Trong thời gian vừa qua, Nghệ An chưa ghi nhận trường hợp nào bị sốt xuất huyết và bệnh chân tay miệng. Tuy nhiên, nếu không chủ động các biện pháp phòng ngừa, nguy cơ tái phát dịch bệnh này trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt tại 3 huyện đã từng xảy ra dịch này vào các năm trước gồm Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hưng Nguyên. 
 
Để chủ động phòng chống, kiên quyết không để dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, Sở Y tế Nghệ An đang triển khai các kế hoạch, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn. Theo đó, các đơn vị y tế triển khai giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiến hành cách ly, xử lý kịp thời theo đúng quy định, tuyệt đối không để lan rộng trong cộng đồng dân cư.
 
Các bác sĩ cũng khuyến cáo cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt, cần tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn ngay từ đầu năm. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thay rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như lu, khạp… hàng tuần. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
 
Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa. Đồng thời, vận động cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi sạch để phòng bệnh chân tay miệng. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là nhà trẻ, mẫu giáo phải có đủ phương tiện rửa tay xà phòng, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường…
 
Thực tế đã chứng minh, trước dịch bệnh nguy hiểm nào, nếu cơ quan chức năng, đặc biệt là người dân có ý thức cao trong việc phòng ngừa thì nguy cơ lây lan rộng, mắc nhiễm và tử vong sẽ được hạn chế rất nhiều. Vì thế, ngay từ khi mùa nắng nóng đang tới gần, người dân nên chủ động trong triển khai công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết và bệnh chân tay miệng trước khi quá muộn.

Mai Hậu

Các tin khác