Gia đình xã hội
Đừng để cái danh 'thần đồng' đè nặng lên vai các em
14:33, 21/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nhiều năm trở lại đây, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng và chương trình truyền hình thực tế, không khó để mọi người có thể tìm ra các “hạt nhân” tài năng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, xuất hiện không ít các cô, cậu bé còn rất nhỏ tuổi. Có khả năng nổi trội trên một hay một số lĩnh vực nào đó, những đứa trẻ trên đã vô tình bị truyền thông và mọi người gắn cho cái “mác” “thần đồng”, để rồi phải chịu áp lực và dần bị lãng quên.
Cách đây không lâu, với khả năng hát dân ca nhuần nhuyễn, tự nhiên, cô bé Thảo Phương trú tại xã Liên Thành, huyện Yên Thành được khá nhiều người để ý. Câu chuyện bắt đầu từ khi Thảo Phương đi theo bà tập hát, rồi dần bén duyên với dân ca. Niềm đam mê với âm nhạc truyền thống của Thảo Phương rất đáng ngợi khen và cần phát huy. Tuy nhiên, câu chuyện trên sẽ chỉ dừng lại tại đó, nếu như không có một số phương tiện truyền thông tìm đến và gọi em là “thần đồng” xứ Nghệ. Cái danh xưng ấy, cùng với sự chú ý quá mức của mọi người liệu có khiến cô bé 6 tuổi tiếp tục duy trì khả năng thiên bẩm ấy?
Trẻ em cần được sống đúng với lứa tuổi, trong môi trường giáo dục và văn hóa lành mạnh |
Thảo Phương chỉ là một trong số rất nhiều cô, cậu bé được truyền thông quan tâm và đặt nặng lên vai hai chữ “thần đồng”. Trong mùa Tìm kiếm tài năng Việt vừa qua, giải thưởng dành cho cậu bé 8 tuổi Đức Vĩnh là hoàn toàn xứng đáng và thuyết phục. Từ vòng sơ khảo đến bán kết rồi chung kết, cậu bé đã chứng minh khả năng nổi trội so với các thí sinh khác. Sau cuộc thi tìm kiếm tài năng, em trở thành người nổi tiếng và được các phương tiện truyền thông quan tâm quá mức.
Mọi chi tiết về cuộc sống thường ngày của em được khai thác tối đa, từ gia cảnh nghèo khó của gia đình Đức Vĩnh đến cách em tập luyện như thế nào, rồi em bị ốm thì sẽ ra sao? Truyền thông vốn đã nhạy với những điểm độc đáo, khác biệt. Thế cho nên, họ mặc sức khai thác đời tư của Vĩnh để thỏa mãn sự tò mò của độc giả, để “câu” khách, số lượt xem mỗi giờ. Điều đó khiến nhiều người, đặc biệt là các nhà giáo dục cho rằng, truyền thông đã xâm nhập quá sâu, thái quá vào đời sống riêng tư của một cậu bé 8 tuổi.
Dĩ nhiên, ánh hào quang nào cũng có hai mặt. Em có tài, em nổi tiếng thì người khác quan tâm đến em là điều hiển nhiên. Thế nhưng, khả năng của Đức Vĩnh cũng như nhiều đứa trẻ khác cũng chỉ như chồi non mới nhú, cần được chăm bẵm, đầu tư phát triển đúng mức. Một đứa trẻ cần được phát triển tự nhiên về nhân cách, tâm sinh lý. Và để đứa trẻ đó trở thành một tài năng, một người nổi tiếng thực sự trong tương lai, đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Đồng thời, rất cần sự quan tâm, dạy dỗ của những người lớn có cái tâm sáng và tầm nhìn rộng.
Không chỉ riêng Thảo Phương, Đức Vĩnh, đã có rất nhiều trường hợp các cô, cậu bé được xem là “thần đồng” trong quá khứ lại không thể tỏa sáng trong tương lai. Có em biết đọc, biết viết từ năm 2 - 3 tuổi, có em biết nói khi mới mấy tháng tuổi, có em có khả năng nói tiếng Anh lưu loát khi chưa vào cấp tiểu học. Nhưng rồi sau đó vài năm, những đứa trẻ đó lại trở thành người bình thường. Vì sự dạy dỗ không đúng cách, vì sự quan tâm quá mức khiến nhiều em trở nên tự tin quá mức, rồi thành tự kiêu, không biết quan tâm tới người khác. Nhưng cũng có em, vì bị áp lực bởi hai chữ “thần đồng” đã không thể đáp ứng sự kỳ vọng của mọi người, từ đó trở nên tự ti, tụt hậu so với bạn bè cùng trang lứa.
Lĩnh vực nào cũng xuất hiện những người có khả năng nổi trội. Lịch sử cũng đã ghi nhận những cô, cậu bé có tài năng thiên bẩm trở thành ngôi sao lớn trong tương lai. Có thể kể đến NSND Đặng Thái Sơn, đại kiện tướng cờ vua Nguyễn Ngọc Trường Sơn, “kình ngư” Nguyễn Ánh Viên. Đó là những “thần đồng” mà ngoài khả năng thiên bẩm với sự khổ luyện của bản thân, còn được sự quan tâm, dạy dỗ đúng mức của gia đình, tránh xa ánh hào quang truyền thông khi còn quá nhỏ.
Thomas Alva Edison, nhà phát minh nổi tiếng thế giới sở hữu 1.093 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Đức đã đúc kết rằng: “Thiên tài là một phần trăm cảm hứng, chín mươi chín phần trăm là mồ hôi". Thế nên, hãy để những tài năng như Thảo Phương, Đức Vĩnh được phát triển trong môi trường giáo dục, văn hóa lành mạnh, bởi lúc đó, tự bản thân các em sẽ nhận thức được giá trị của mình để tiếp tục phấn đấu vươn lên.
Mai Hậu