Gia đình xã hội
Xử lý cán bộ quản lý ngành giáo dục vi phạm chính sách dân số
Còn hời hợt, mang nặng tính hình thức
08:43, 21/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Những ngày qua, dư luận rất bất bình trước việc một cán bộ quản lý ở đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) khi sinh con thứ 3 vẫn đương chức, thậm chí được bổ nhiệm ở cấp cao hơn.
Sau vụ việc này, quá trình xác minh, tìm hiểu cho thấy, những năm qua, nhất là khi thực hiện Chỉ thị 09/2012 của Tỉnh ủy Nghệ An về tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới, việc theo dõi, xử lý cán bộ vi phạm ở ngành giáo dục còn "hời hợt", có chăng cũng chỉ "giơ cao đánh khẽ", khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Vụ việc thầy giáo Nguyễn Văn Khoa (SN 1977), Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT số 2 Nghệ An vừa được Giám đốc Sở GD&ĐT điều động, bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện Hưng Nguyên), nhiệm kỳ 2015 - 2020 vẫn còn gây xôn xao trong giới giáo chức những ngày qua. Điều đáng nói, thầy Khoa được bố trí công việc mới khi trước đó một thời gian, ngày 12/7/2013, Giám đốc Sở GD&ĐT lúc bấy giờ là ông Lê Văn Ngọ ký Quyết định số 802 về việc kỷ luật cán bộ viên chức. Theo đó, quyết định kỷ luật ông Nguyễn Văn Khoa bằng hình thức khiển trách, vì đã vi phạm chính sách DS-KHHGĐ (sinh con thứ 3).
Việc xử lý cán bộ vi phạm chính sách DS-KHHGĐ vì sinh con thứ 3 vẫn đang còn rất hời hợt theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Tranh minh họa |
Ngày 19/9/2012, Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 26/6/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới. Tại Chỉ thị này, ở Điều 3 ghi rõ: Đối với đảng viên: Xử lý vi phạm theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo vi phạm phải kiểm điểm trước cấp ủy cấp trên trực tiếp và làm đơn đề nghị rút tên khỏi chức danh lãnh đạo hoặc xem xét thuyên chuyển vị trí công tác khác. Cấp ủy Đảng không đưa vào xem xét quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo trong 5 năm đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm; nếu có trong quy hoạch thì xem xét đưa ra khỏi quy hoạch chức danh hiện tại. Đối với cán bộ vi phạm: Xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và theo bản cam kết với cơ quan, đơn vị, thuyên chuyển vị trí công tác.
Qua tìm hiểu, trong số hàng trăm cán bộ, giáo viên bất chấp các quy định để “vượt rào”, có nhiều trường hợp là cán bộ quản lý, giữ chức vụ trong ngành GD&ĐT. Đến nay, không chỉ dừng lại ở trường hợp của thầy Khoa mà trước đó, ngày 12/7/2013, Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đã ký quyết định xử lý đối với ông Nguyễn Mạnh Hà (SN 1969), Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Đại học (Sở GD&ĐT) bằng hình thức khiển trách. Gần đây là vào tháng 9/2014, bà Hồ Thị An, Phó Trưởng phòng Mầm non (Sở GD&ĐT) cũng vi phạm chính sách DS-KHHGĐ khi sinh con thứ 3 (nhưng chưa xử lý do đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi).
Từ dẫn chứng các trường hợp trên để thấy rằng, số lượng cán bộ quản lý của đơn vị trực thuộc và cơ quan Sở để xảy ra vi phạm liên quan đến chính sách DS-KHHGĐ của tỉnh là không hề ít. Trao đổi về vấn đề này, ông Chu Văn Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT) cho biết: Thực hiện Chỉ thị 09/2012 và Quyết định 76/2012 của UBND tỉnh, về quy định một số chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh, ngành đã quán triệt thực hiện nhưng còn để xảy ra vi phạm ở giáo viên, viên chức và cán bộ quản lý, kể cả khối cấp huyện và khối đơn vị trực thuộc Sở.
Hầu hết các trường hợp vi phạm chỉ xử lý được về mặt Đảng theo Quy định 181 của Trung ương, còn về mặt chính quyền thì rất khó, vì không có quy định cụ thể. Hàng năm, Sở đều đưa nội dung này vào tiêu chí thi đua. Với cán bộ chưa là đảng viên thì việc xử lý hết sức khó khăn, vì không có hướng dẫn cụ thể. Cũng theo ông Long, trên thực tế, các cán bộ vi phạm mới chỉ bị xử lý ở hình thức thấp là khiển trách, khiến dư luận cho rằng chưa đủ sức răn đe.
Bởi lẽ, có những thời điểm ở các tỉnh, thành xảy ra nhiều trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ bị xử lý nặng, sau đó các địa phương có kiến nghị lên Trung ương. Sau này, Ủy ban Kiểm tra TW có hướng dẫn xử lý kỷ luật cán bộ quản lý ở mức thấp nhất là khiển trách. Do đó, ngành GD&ĐT Nghệ An cũng đang “bám” theo hướng xử lý này.
Trong khi đó, bà Lê Thị Lệ Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục cho rằng, chỉ vài năm học trở lại đây, việc xử lý viên chức và cán bộ quản lý các cấp mới được chú trọng. Thời điểm trước cũng như giai đoạn đầu khi Chỉ thị 09 của Tỉnh ủy và Quyết định 76 của UBND tỉnh có hiệu lực, việc theo dõi, báo cáo và xử lý của các cấp còn hời hợt, mang tính hình thức. Cụ thể, trong năm học 2012 - 2013, ở khối đơn vị trực thuộc Sở có 7 trường hợp vi phạm sinh con thứ 3 đã được xử lý; năm học 2013 - 2014 có 2 trường hợp vi phạm nhưng chưa xử lý. Trong số những cán bộ vi phạm đã xử lý nhưng hiện vẫn đang đương chức.
Thực tế qua theo dõi, đánh giá cho thấy, hầu hết các cá nhân và đảng viên khi vi phạm Chỉ thị 09 và Quyết định 76 bị xử lý kỷ luật thì tập thể đó đều có hình thức xử lý liên quan. Như tổ chức cơ sở Đảng có cán bộ, đảng viên vi phạm thì không được xếp loại trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, với những cán bộ, đảng viên thì việc xử lý trách nhiệm liên đới về mặt cá nhân là chưa đúng mức, còn mang tính nể nang, "giơ cao đánh khẽ", dẫn đến hiệu quả thực hiện các chính sách từ cấp trên không cao.
Xuân Thống