Gia đình xã hội

Nhọc nhằn nữ cửu vạn

14:48, 19/04/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Dáng người mảnh khảnh, làn da đen sạm vì nắng gió, bàn tay, đôi vai chai sần vì khuân vác hàng hóa, kéo xe... Đó là hình ảnh những người phụ nữ làm nghề cửu vạn ở làng Mai Lộc, xã Hưng Đông, TP Vinh.
 
Mới sáng sớm nhưng ở làng Mai Lộc, nhà nào nhà nấy đã “cửa đóng then cài”, trong làng chỉ còn lác đác người già và trẻ nhỏ. Hơn 20 năm qua, kể từ khi nghề sông nước, dệt chiếu biến mất, những người dân Mai Lộc phải chuyển sang làm nghề cửu vạn kiếm tiền mưu sinh.
 
Đàn ông con trai, có sức khỏe thì vay mượn ít triệu đồng mua chiếc xe máy cũ hành nghề xe ôm, người thì đi làm phụ hồ, thợ xây... Còn phụ nữ thì sắm đôi quanh gánh cùng chiếc xe đạp vào trung tâm TP Vinh ngồi ở các ngã ba, ngã tư, công viên... chờ người ta đến thuê việc để kiếm sống.
Một trong những công việc thường ngày của phụ nữ cửu vạn làng Mai Lộc
Một trong những công việc thường ngày của phụ nữ cửu vạn làng Mai Lộc
Cứ đều đặn mỗi ngày, sáng từ 4 giờ 30 phút cho đến tận đêm khuya, những người phụ nữ ở đây lại gồng gánh, cùng nhau vào trung tâm thành phố để mưu sinh, ai thuê gì làm nấy, từ phụ hồ, dọn dẹp nhà cửa đến bốc vác, miễn là có thu nhập bằng chính sức lao động của bản thân. 
 
Gần trưa, giữa cái nắng ngày càng gay gắt, dạo một vòng quanh các ngả đường từ ga tàu, bến xe đến khu vực “tam giác quỷ”..., không khó để bắt gặp từng tốp người già có, trẻ có vội tìm bóng mát dưới hàng cây, ngồi ăn cơm trưa bên những đôi quang gánh, vài ba chiếc rổ, cuốc, xẻng - “cần câu cơm” của họ. Bữa cơm tạm bợ, người thì ổ bánh mỳ, người lại đùm cơm ở nhà đi, khiến ai nhìn thấy cảnh này đều không khỏi xót xa. Sau bữa cơm trưa, các chị tranh thủ chợp mắt trên những chiếc võng mắc tạm bên vệ đường, hay chỉ đơn giản là dựa vào thân cây dưới cái nắng oi ả, trong tiếng xe cộ ồn ào.
 
Chị Nguyễn Thị Mai (37 tuổi) chia sẻ: “Nghề này vất vả lắm, nhưng vì chồng ốm yếu, tôi phải thay chồng gánh vác gia đình. Nhà làm mấy sào ruộng không đủ ăn, nên tôi phải lặn lội vào trung tâm thành phố làm nghề này. Vào mùa đông thì lạnh cắt da cắt thịt, mùa hè thì nắng táp rát mặt nhưng cũng phải ngồi đợi để có ai thuê gì thì làm nấy”.
 
Trong số những người làm nghề cửu vạn ở làng Mai Lộc, có những người tóc đã điểm bạc, nhưng không kể ngày nắng hay mưa, họ vẫn phải gắng gượng để kiếm sống. Biết vất vả, cực nhọc nhưng chẳng ai dám bỏ nghề, bởi làm nghề cửu vạn không phải bỏ vốn, chỉ cần bỏ sức mà vẫn kiếm được đồng tiền, bát gạo cho gia đình. Vì phải thường xuyên làm việc trong môi trường nhiều bụi bẩn nên đa số các chị đều bị bệnh phổi, sức khoẻ không ổn định.
 
Do lao động chủ yếu là thời vụ, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động chỉ là giao dịch, thỏa thuận bằng miệng mà không có bất cứ hợp đồng nào, nên khi xảy ra rủi ro, người lao động phải tự gánh chịu hậu quả. “Làm nghề như chúng tôi, việc trầy xước chân tay là chuyện bình thường, nặng là bị bong gân, trật khớp gối thì mình cũng phải tự chịu. Nhiều gia đình có lòng thương người thì họ cho thêm ít tiền để mua thuốc”, chị Bùi Thị Hiền (58 tuổi) tâm sự.
 
Những năm gần đây, công việc cửu vạn đã khó khăn, nay càng bấp bênh hơn, do có quá nhiều lao động vào thành phố để tìm việc làm, bởi vậy số tiền mà họ kiếm được từ nghề này ngày càng eo hẹp. Vất vả là thế, song các chị lại rất đoàn kết, ai có việc thì rủ người kia đi làm cùng, hiếm khi xảy ra va chạm, tranh giành công việc. Mỗi khi có thành viên trong nhóm ốm đau, mọi người đều chia sẻ, thăm hỏi, động viên an ủi. Giờ đây, các chị chỉ mong có sức khỏe tốt để có thể làm việc, lo cái ăn, cái mặc cho chồng, con. 
 
Chia tay các chị khi trời đã xế chiều, chúng tôi thấu hiểu được phần nào nỗi vất vả, cực nhọc của những người đang phải vật lộn với cuộc sống để mưu sinh. Rồi sau này, khi sức lực đã cạn, không biết những nữ cửu vạn này sẽ sống ra sao.

Đặng Duyên

Các tin khác