Gia đình xã hội

Bất cập trong thực hiện chính sách với nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam

16:12, 22/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Để phần nào làm dịu nỗi đau và cải thiện đời sống cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC), Đảng, Nhà nước đã ban hành các chủ trương hỗ trợ đối với các đối tượng này. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách còn nhiều hạn chế, bất cập về cả nội dung văn bản lẫn quá trình tổ chức thực hiện.
 
Mòn mỏi chờ xác nhận...  
 
Nghệ An là một trong những địa phương có số nạn nhân bị nhiễm CĐDC lớn (đứng thứ 3 cả nước, sau tỉnh Thái Bình và Bắc Giang). Hiện, toàn tỉnh có gần 40 nghìn người bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin do quân đội Mỹ rải trong chiến tranh. Trong đó, chỉ có 16.570 người đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nhà nước. Còn lại một bộ phận không nhỏ nạn nhân mang trong mình di chứng chiến tranh, với những căn bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt và di truyền sang thế hệ con, cháu đang mòn mỏi mong chờ được giám định, xác nhận nhưng vẫn chưa có kết quả. 
 
Ông Cao Thanh Tân và bà Vũ Thị Hồng trú tại xóm 1, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu là một trong số nhiều trường hợp phải gánh chịu nỗi đau CĐDC. Hai vợ chồng ông bà đều tham gia kháng chiến chống Mỹ, do ảnh hưởng của CĐDC nên bà Hồng bị nhiễm độc bào thai. Có với nhau 6 người con, nhưng có tới 3 người bị nhiễm độc bào thai từ mẹ, khi sinh ra người thì bị khối u độc sau lưng, người thì bị dị tật không nuôi được.
Gia đình ông Cao Thanh Tân và bà Vũ Thị Hồng trú tại huyện Diễn Châu đang mòn mỏi chờ đợi chính sách hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm CĐDC
Gia đình ông Cao Thanh Tân và bà Vũ Thị Hồng trú tại huyện Diễn Châu đang mòn mỏi chờ đợi chính sách hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm CĐDC
Ông Tân đau ốm phải thuốc thang suốt năm, còn lại 3 người con thì 2 người bị tâm thần, dị dạng. Bà Hồng chia sẻ: “Từ khi ở chiến trường trở về, do ảnh hưởng của chất độc hóa học nên sức khỏe của hai vợ chồng tôi suy yếu, không thể lo nổi cho 2 đứa con bệnh tật. Đã hơn 12 năm qua, tôi nộp hồ sơ và đầy đủ giấy tờ, huân, huy chương và bệnh án mong được xác nhận là nạn nhân CĐDC để hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa có tin tức gì. Nhìn các con ngây ngô, điên dại, chúng tôi rất khổ tâm”.
 
Còn nhiều vướng mắc 
 
Theo phản ánh của nhiều nạn nhân CĐDC, họ bị mắc nhiều bệnh hiểm nghèo, thậm chí bị ung thư nhưng các bệnh này không nằm trong danh mục bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học mà Thông tư 41 liên Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nêu, nên hồ sơ không được xác nhận. Sở dĩ có tình trạng này là do giữa các văn bản quy định của Trung ương chưa có sự thống nhất, thiếu thực tế, gây khó khăn, lúng túng khi triển khai thực hiện.
 
Trong khi đó, đối tượng đã già yếu, việc đi lại và kinh tế rất khó khăn; danh mục 17 bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học còn nhiều điểm chưa đầy đủ… Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn các văn bản về chính sách người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC/dioxin ở một số địa phương chưa kịp thời, sâu sát.
 
Ông Đinh Xuân Tứ, Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC tỉnh cho biết: Hiện, vẫn còn một bộ phận không nhỏ nạn nhân mang trong mình di chứng chiến tranh, bị nhiễm CĐDC với những căn bệnh ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ, sinh hoạt và di truyền sang thế hệ con, cháu nhưng vẫn chưa được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi dành cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.
 
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 05/2013, liên Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư liên tịch số 41/2013 nhằm hướng dẫn cụ thể Nghị định, song lại nảy sinh nhiều rắc rối, bất cập xuất phát từ những hướng dẫn này. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2, Điều 57, Thông tư 05 của Bộ LĐ-TB&XH quy định, hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học là "một trong những giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hoá học: Quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy điều trị; giấy tờ khác chứng minh có tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hoá học được xác lập từ ngày 30/4/1975 trở về trước.
 
Bản sao: Lý lịch cán bộ…”. Tuy nhiên, thực tế những lý lịch trên chỉ ghi phiên hiệu đơn vị mà không ghi rõ địa điểm đơn vị đóng quân, chiến đấu. Do vậy, khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chức năng không có căn cứ xác nhận thời gian, địa điểm tham gia hoạt động kháng chiến của đối tượng nên khó có cơ sở tiếp nhận hồ sơ để giải quyết chế độ ưu đãi. Ðó là chưa kể trong thời gian chiến đấu, do phải di chuyển và bị bom đạn thường xuyên bắn phá, nên giấy tờ bị mất hoặc thất lạc cũng là nguyên nhân khiến hồ sơ của nhiều đối tượng không đủ điều kiện để xét duyệt. Bên cạnh đó, thủ tục, quy trình xét duyệt hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi cho các nạn nhân hiện nay còn nhiều bất cập, dẫn đến trường hợp con được hưởng chế độ, nhưng cha thì không.
 
Việc thực hiện giải quyết chế độ với nạn nhân bị nhiễm CĐDC/dioxin là một chính sách mang ý nghĩa nhân văn của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự tri ân công lao của những người tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục khắc phục những tồn tại, vướng mắc. Vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ trong quá trình xác nhận, thẩm định, không chậm trễ để những đối tượng là nạn nhân bị nhiễm CĐDC được thụ hưởng chính sách xứng đáng với công lao mà họ đã cống hiến trong thời gian tham gia kháng chiến. 

Cao Loan

Các tin khác