(Congannghean.vn)-Bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn đề mà cả xã hội đang rất quan tâm, bởi nó ảnh hưởng tới đời sống của rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, là nguyên nhân chủ yếu gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất lẫn tinh thần của các thành viên trong gia đình, tác động xấu đến đời sống của cá nhân và cộng đồng.
Tư tưởng phong kiến còn đè nặng
Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nguyên nhân dẫn đến bạo hành vì thế cũng không giống nhau, nhưng nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ bạo lực gia đình là do thiếu hiểu biết pháp luật, đời sống khó khăn, ghen tuông, suy thoái về đạo đức lối sống; lạm dụng rượu bia, cờ bạc, ma túy... Mặt khác, một bộ phận phụ nữ còn mặc cảm, nhẫn nhục, âm thầm chịu đựng, bởi "xấu chàng hổ ai" nên không dám "vạch áo cho người xem lưng”. Điều này đã khiến nạn bạo hành trong gia đình ngày càng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Phần lớn phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình |
Đã có rất nhiều người vợ bị những trận đòn thừa sống thiếu chết nhưng vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Phụ nữ nông thôn không dám nói ra chuyện mình bị bạo hành, bởi họ sợ mọi người chê cười, họ hàng dè bỉu, con cái xấu hổ với bạn bè, làng xóm… Chính tư tưởng chịu đựng, nhẫn nhịn, ngại chia sẻ và không dám tố cáo của họ đã khiến nạn bạo hành vẫn còn “đất sống”. Trong đó, nguyên nhân sâu xa và chủ yếu là sự bất bình đẳng giới, dẫn đến nhiều vụ trọng án đã xảy ra như: Cha giết con, em giết anh, cha xâm hại tình dục con... Bên cạnh đó, tâm lý sợ bị phạt tiền khi hành vi bạo lực gia đình bị đem ra xử lý cũng là nguyên nhân khiến tình trạng này không được giải quyết triệt để.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng và có tính chất phức tạp. Nếu như năm 2009, cả tỉnh chỉ xảy ra 717 vụ, thì đến năm 2014 tăng lên 800 vụ. Cao điểm là năm 2012 xảy ra 1.289 vụ. Đối tượng bị bạo hành chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người gây ra hành vi bạo lực là nam giới (chủ yếu là chồng). Trong đó, nạn nhân là nữ từ 16 - 59 tuổi có 678 trường hợp; trẻ em 56 vụ; người cao tuổi 66 vụ.
Hình thức bạo lực về kinh tế đã có xu hướng giảm, trong khi bạo lực về thân thể, tinh thần lại có chiều hướng tăng. Nhiều vụ bạo lực về tinh thần xảy ra âm ỉ, khó phát hiện, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Con số thông kê trên cũng chỉ là bề nổi, chưa phản ánh đầy đủ thực trạng bạo lực gia đình hiện nay. Thực tế, số vụ bạo hành cao gấp nhiều lần nhưng không phát hiện được, bởi lẽ hầu hết nạn nhân đều ngại, không dám thổ lộ.
Nhiều nơi, cán bộ chính quyền, đoàn thể vẫn coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư nên việc xử lý các hành vi bạo hành theo quy định của pháp luật còn chưa nghiêm, chế tài chưa đủ mạnh.
Còn nhiều khó khăn
Bạo lực gia đình dù diễn ra dưới bất cứ hình thức nào thì hậu quả của nó cũng hết sức nghiêm trọng. Nạn nhân của bạo lực gia đình bị khủng hoảng tâm lý kéo dài, tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến sức khoẻ, bị thương tật, thậm chí thiệt hại đến tính mạng, tài sản. Trẻ em trong các gia đình có bạo lực phải chịu nhiều thiệt thòi, nhiều em phải sống xa cha hoặc mẹ, hoặc cả hai. Các em phải bỏ học, sống lang thang, rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Bạo lực gia đình là một trong những yếu tố làm phá hủy nền tảng của gia đình.
Ông Phan Hữu Lộc, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Hiện nay, công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn gặp nhiều khó khăn như: Đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ về công tác gia đình còn mỏng; kinh phí tuyên truyền ít ỏi; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể liên quan chưa nhịp nhàng nên hiệu quả chưa cao; phạm vi phối hợp chưa sâu rộng, thiếu đồng bộ, nhất là tại những địa phương có tình trạng bạo lực gia đình ở mức cao; chương trình, nội dung phối hợp chưa có tính chiến lược, thiếu sự kết hợp, hoạt động nhỏ lẻ…
Ðể phát huy tốt vai trò của phụ nữ trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tất cả mọi người về phòng, chống bạo lực gia đình, cách tốt nhất là thực hiện bình đẳng giới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tất cả mọi người.
Tháng 8/2008, Luật Phòng, chống bạo hành gia đình chính thức có hiệu lực. Đây là cơ sở pháp lý để đấu tranh đòi lại công bằng cho phụ nữ - nạn nhân chủ yếu của nạn bạo hành gia đình. Vì vậy, hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện bình đẳng giới là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành, các địa phương.
Và hơn bao giờ hết, bản thân người phụ nữ phải vượt qua rào cản và định kiến về giới, nâng cao trách nhiệm, kịp thời nắm bắt các thông tin liên quan đến giới nữ để làm tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Ðặc biệt, phải xử lý nghiêm những hành vi bạo lực, ngược đãi các thành viên trong mỗi gia đình, để hướng tới mục tiêu "Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực”.
.