Vậy là, trước yêu cầu của dư luận về việc thành phố Hà Nội cần trưng cầu ý kiến người dân về thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố, ngày 19/3, lãnh đạo TP Hà Nội đã quyết định chính thức treo biển trưng cầu dân ý về việc chuẩn bị thay thế cây.
Có thể nói, trong rất nhiều thành phố trên thế giới, Hà Nội có nét đặc trưng riêng với 12.000 cây xanh tỏa bóng mát trải dài trên khoảng 3.000 km đường đô thị, tỉnh lộ, quốc lộ. Và đây cũng chính là niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân Thủ đô. Những cây xanh này không chỉ là "người bạn" đồng hành trong quá trình phát triển của Thủ đô, mà nó còn là những “nhân chứng lịch sử” đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Cây xanh chính là một phần không thể thiếu của cuộc sống, tâm hồn người Hà Nội. Những “nồng nàn” của Hà Nội qua mùi hương của hoa sữa, qua sắc vàng của cây cơm nguội, qua nét cổ kính của những cây cổ thụ, qua những hàng sấu già che rợp bóng mát… luôn gắn liền với kỷ niệm của không chỉ riêng người Hà Nội. Những cây xanh cứ khiêm nhường, lặng lẽ tỏa bóng mát khắp phố phường Thủ đô đã để lại một nét riêng mà rất nhiều người Hà Nội và những người yêu Hà Nội luôn nhớ về với tình cảm đong đầy.
Vì thế, thông tin Hà Nội sẽ chặt hạ 6.700 cây xanh đã làm cho nhiều người yêu Hà Nội ngỡ ngàng, lo lắng và tiếc nuối, cảm giác như mất đi một phần ký ức về Hà Nội. Nhiều người dân Hà Nội chia sẻ, nếu chặt hết 6.700 cây xanh, họ sẽ có cảm giác trống vắng, như mất đi một điều gì đó đã quá đỗi thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày và bày tỏ lo ngại, Hà Nội sẽ trở thành “Thành phố bê tông"! ….
Trước thông tin trên, nguyên Phó Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Đăng Tuấn đã viết thư ngỏ đến Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội với nội dung đề nghị dừng việc cải tạo, thay thế cây xanh. GS. Ngô Bảo Châu cũng đưa ra hàng loạt câu hỏi quanh chuyện Hà Nội chặt hạ, thay thế cây xanh… Đã có một số người dân Hà Nội đồng loạt ký vào đơn kiến nghị chính quyền thành phố cho tạm dừng việc chặt cây và lấy ý kiến người dân về việc này.
Trước thông tin báo chí phản ánh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, các đơn vị dừng việc thay thế hàng loạt cây xanh trên đường phố hiện nay. Những cây đã hạ chuyển thì phải thay cây mới đảm bảo mật độ theo quy hoạch, hoàn thiện hè đường, đảm bảo giao thông đô thị; tổ chức chăm sóc, quản lý theo phân cấp, quy định; yêu cầu Sở Xây dựng phải rà soát, phân loại lại tiêu chí cây, xác định đúng đối tượng cây phải bổ sung, thay thế; lập kế hoạch, lộ trình thực hiện theo phương châm từng bước; đảm bảo duy trì mật độ cây xanh thường xuyên, liên tục cho từng tuyến phố phải thay cây...
Việc chặt hạ nhiều cây còn xanh tốt, khỏe mạnh đang gặp sự phản đối quyết liệt của người dân |
Ngày 19/3, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã quyết định chính thức treo biển trưng cầu ý kiến người dân về việc chuẩn bị thay thế cây. Tấm biển kích thước 30x20cm, chất liệu bằng tôn, có ghi rõ: “Cây dự kiến đánh chuyển, cây trồng mới". Sau khi treo biển 01 tuần, công ty sẽ tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân qua số máy 04.39764540, trực 24/24 giờ. Nếu trường hợp không có ý kiến phản đối của người dân, cây sẽ được đánh chuyển, thay thế bằng một cây đúng chủng loại, kích thước theo quy định.
Quyết định trên là hợp với lòng dân! Mặc dù hơi muộn!
Giá như... UBND TP. Hà Nội sớm thực hiện chủ trương trên trước khi tiến hành triển khai dự án thay thế cây, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để làm rõ sự cần thiết và ích lợi của dự án này thì chắc chắc, người dân sẽ đồng tình ủng hộ và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng.
Được biết, qua rà soát, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 6.700 cây (tỷ lệ 5,58%) già cỗi, sâu mục, cong nghiêng, ảnh hưởng giao thông, cây chết và gần chết, nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị... Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất thành phố cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện trong 3 năm (2015 - 2017), dự tính kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng.
Cần khẳng định rằng, người dân Hà Nội không phản đối chuyện chặt một số cây nếu việc hạ cây vì những lý do bất khả kháng như: Cây gây nguy hiểm, bị cong, hỏng, dễ đổ, dễ gây tai nạn, gây hại cho sức khoẻ,... Việc làm này là “cho dân, vì dân”, vì môi trường cây xanh của thành phố. Nhưng có một thực tế gây thắc mắc trong không ít người dân, đó là: Tuy được cơ quan chức năng giải thích là thay thế các cây yếu, cây bị sâu, chết..., nhưng như đường Nguyễn Chí Thanh và một số tuyến đường khác, toàn bộ cây đang còn xanh tốt, trong đó có nhiều cây to đã bị đốn hạ, khiến ai đi qua cũng thắc mắc, ngỡ ngàng và đặt ra nhiều dấu hỏi theo hướng hoài nghi (?!).
Một số lượng lớn cây đã bị đốn hạ không thương tiếc trong nỗi xót xa và ngỡ ngàng của người dân. Mùa hè đang đến gần. Lá phổi xanh của thành phố đã bị tổn thương nghiêm trọng và chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sức khỏe của hàng triệu người dân Thủ đô. Người dân có quyền đặt câu hỏi: Tại sao và vì lý do gì phải vội vàng tiến hành đốn hạ cây hàng loạt mà không tổ chức lấy ý kiến của người dân? Trách nhiệm này thuộc về ai?
Chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả các việc liên quan đến xã hội, đến con người... nhất thiết người dân có quyền được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát, phản biện và được thụ hưởng từ những quyết định của các cơ quan chức năng!
Bài học rút ra ở đây là, cần nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, chấn chỉnh cách làm, lắng nghe và tiếp thu ý kiến nhân dân. Tạo sự đồng thuận của toàn xã hội là việc làm vô cùng cần thiết của các cấp chính quyền trong việc triển khai đưa các chủ trương, chính sách vào thực tiễn!
.