(Congannghean.vn)-Xuất thân là một giáo viên, có nhà cao cửa rộng ở TP Vinh nhưng người đàn ông ấy đã bỏ phố lên rừng, thuê đất lập trang trại, trở thành ông chủ của một cơ sở chăn nuôi lợn rừng tầm cỡ, cung ứng cho thị trường rộng khắp trong tỉnh. Hơn thế nữa, ông còn lập nên quỹ học bổng mang tên mình để hàng năm trao thưởng cho các học sinh nghèo vượt khó. Ông là Cao Huy Khôi (SN 1953), chủ trang trại Nga Khôi ở xóm Thái Lâm, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp.
Trang trại lợn rừng dưới chân núi Pá Chạng
Ông Cao Huy Khôi, quê ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, theo gia đình lên dắm dân tại xã Châu Lý và lập nghiệp tại xã Châu Thái. Trong thời gian làm công tác giảng dạy, khi đến trang trại của anh trai ở xã Châu Thái, ông Khôi đã rất thích thú, chính bởi vậy, khi người anh có ý định sang nhượng lại, ông đã bàn với vợ tiếp quản và đầu tư trở lại để nuôi lợn rừng dưới chân núi Pà Chạng, thuộc xóm Thái Lâm vào năm 2006. Ông Khôi cho biết, ban đầu, ông định khởi nghiệp bằng việc nuôi bò thả đàn, nhưng ý tưởng này nhanh chóng thất bại. Ngay sau đó, tận dụng diện tích rộng (9 ha), ông đã quyết định đầu tư chuồng trại để chăn thả lợn rừng theo mô hình hoang dã, bầy đàn.
Theo đó, ông đã dùng lưới thép B40 khoanh lại diện tích 2 ha, bên trong cho trồng cây, đào hào và những hố rộng, cạn để dự trữ nước mưa cho lợn tắm, xung quanh trồng xen nhiều cây để tạo được môi trường hoang dã cho lợn sống. Nói theo cách của đồng bào dân tộc Thái thì đây là cách nuôi “túng buộc mú” (thung lợn rừng đằm mình).
Lợn rừng trong trang trại Nga Khôi ở xã Châu Thái |
Về nguồn gốc con giống, ông Khôi cũng có cách nhân giống rất “khác người”, khi thuê người vào rừng bẫy một con lợn đực nguyên sinh rồi cho nhân giống với lợn rừng mẹ (thế hệ F2) để sinh ra lợn con. Thức ăn dành cho đàn lợn rừng chủ yếu là ngô hạt, hạn chế đến mức thấp nhất những thức ăn khác để đàn lợn không bị thoái hoá bởi thức ăn và chuồng trại. Chính bởi vậy, lợn rừng ở trang trại Nga Khôi được đánh giá là thịt nạc săn, da mỏng, mõm dài, chân cao, lông thưa đen tuyền, được thị trường nhiều nơi ưa chuộng. Trang trại của ông Khôi lúc nào cũng duy trì trên 100 con lợn rừng, sẵn sàng cung ứng cho khách hàng bất cứ lúc nào. Đặc biệt vào những dịp lễ, Tết, nguồn hàng luôn khan hiếm. Hiện nay, ngoài đàn lợn rừng đã có thương hiệu, trang trại Nga Khôi còn có 5 con bò, trên 500 con gà đồi và gần 40 con dê núi, gần 500 gốc cau đã cho thu hoạch.
Anh Cao Hoàng Hà (SN 1981), con trai ông Khôi, người đang tiếp quản trang trại cho biết, hiện nay, cùng với nuôi lợn rừng, gia đình đang chú trọng phát triển mô hình gà đồi. Mỗi năm, doanh thu của trang trại lên tới hàng tỉ đồng và thu lãi trên 200 triệu đồng. Năm 2013, trang trại Nga Khôi vinh dự được đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy đến thăm và được đánh giá là mô hình trang trại điển hình của huyện Quỳ Hợp. Ông Khôi cho biết thêm, gia đình ông mở trang trại là để góp phần phát triển quê hương theo mô hình kinh tế xanh, sạch, đồng thời, động viên bà con mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.
Quỹ học bổng cá nhân của thầy giáo làng
Ngoài việc làm giàu cho bản thân, ông Khôi còn trở thành “nhà tài trợ” cho nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn xã Châu Thái. Thu nhập từ trang trại, ông trích ra một phần để giúp địa phương mở đường giao thông nông thôn, tu sửa một số sân bóng chuyền ở các xóm và thường xuyên tổ chức phát động làm sạch đường làng, ngõ xóm. Hàng năm, mỗi dịp xã Châu Lý tham gia hoặc tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, ông Khôi luôn đồng hành để tài trợ kinh phí.
Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, ông quyết định trích một phần tiền lãi có được từ kinh tế trang trại để xây dựng quỹ học bổng, hàng năm, trao cho các cháu học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn 6 xóm của xã Châu Lý. Số tiền trao cho các em tuy không nhiều (1 triệu đồng) nhưng được duy trì thường xuyên và luân phiên nhau, không chỉ góp phần giúp các cháu vượt qua khó khăn mà còn tạo động lực để phấn đấu trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Châu Thái cho biết thêm, những phần quà đầu tiên trong quỹ học bổng của ông Khôi đã đến được với những học sinh nghèo hiếu học. Chính quyền địa phương rất cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp này. “Không chỉ làm giàu đẹp cho quê hương Châu Thái, trang trại Nga Khôi còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều con em địa phương, nhiều hộ gia đình cũng học tập ông Khôi để mở trang trại, hiện thực hóa giấc mơ làm giàu chính đáng”, ông Hòa cho biết.
Ông Cao Huy Khôi đang trình bày ý tưởng trong dịp đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy về thăm trang trại |
Ngoài ra, trong nhiều năm qua, ông Khôi còn dành nhiều thời gian trở lại thăm chiến trường xưa ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) để tập hợp, kết nối các anh em, đồng đội cùng đơn vị cũ. Bản thân ông đã lặng lẽ đi tìm đồng đội đang nằm lại đâu đó ở chiến trường. Đến nay, ông Khôi đã tìm được 3 thân nhân cho 3 đồng đội liệt sĩ quê Nghệ An hy sinh tại chiến trường phía Nam. Những lần gặp mặt đồng đội hoặc đi tìm phần mộ, thân nhân liệt sĩ, ông Khôi đều dùng tiền của mình để trang trải cho những chi phí.
Hiện nay, ông Khôi cùng vợ đã chuyển về TP Vinh sinh sống và kinh doanh khách sạn phía sau chợ Vinh. Toàn bộ cơ ngơi trang trại tại xã Châu Thái vẫn được duy trì và giao cho vợ chồng con trai là anh Cao Hoàng Hà tiếp quản.
Ông Khôi tâm sự, mục đích mở trang trại của ông, một phần cũng là để giao việc cho con cái, và giờ điều đó đã được hiện thực hóa nên ông có thể an tâm nghỉ ngơi. Mọi hoạt động chăn nuôi, trồng trọt ở trang trại Nga Khôi cũng như các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn, trong đó có quỹ học bổng dành cho học sinh nghèo của ông vẫn được duy trì và phát triển.
.