14 bệnh viện trung ương và địa phương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép với thời gian sau 24 giờ đến 48 giờ từ năm 2015. Chắc chắn sẽ có nhiều bệnh viện khác tiếp tục ký cam kết “giảm tải”. Đó là đổi mới đáng ghi nhận của ngành Y tế, nhưng từ cam kết đến... hiện thực không phải một sớm, một chiều.
Nhóm giải pháp dài hạn chống quá tải bệnh viện được ngành Y tế hướng đến là: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường quy mô, mở rộng giường bệnh; vấn đề đào tạo, nâng cao năng lực tuyến dưới, nâng cao trình độ cán bộ y tế; rút ngắn thời gian điều trị, áp dụng các kỹ thuật cao và đặc biệt là triển khai các Đề án về bệnh viện vệ tinh, chỉ đạo tuyến; Đề án thí điểm mô hình phòng khám bác sỹ gia đình...
Quá tải bệnh viện, “căn bệnh nan y” của ngành Y tế đã được nói rất nhiều, nhất là ở diễn đàn Quốc hội. Đáp lại vấn đề dân sinh bức xúc là những lời hứa, giải pháp trước mắt và lâu dài của ngành Y tế. Tuy nhiên, cơ sở vật chất chật hẹp, trang thiết bị y tế hiện đại còn thiếu, đội ngũ bác sĩ mỏng ... nên nhiều bệnh viện lớn ở Trung ương vẫn thường xuyên quá tải, trừ Bệnh viện Nhi Trung ương vừa công bố 4 tháng nay không còn bệnh nhân nằm ghép.
Phấn đấu mỗi bệnh nhi một giường tại Bệnh viện Nhi trung ương |
Xây mới, mở rộng bệnh viện và đổi mới công tác khám chữa bệnh tuyến Trung ương, được xem như là giải pháp mà nhiều bệnh viện kỳ vọng sẽ chấm dứt được tình trạng quá tải. Đó là giải pháp đúng, nhưng không nên tuyệt đối hóa.
Đào tạo đội ngũ bác sĩ tuyến cơ sở giỏi về chuyên môn như tuyến Trung ương, đầu tư trang bị y tế đồng bộ, hiện đại và nâng cao chất lượng y tế dự phòng tuyến cơ sở, là những giải pháp căn bản để chống quá tải.
Tuy nhiên, dư luận đang lo ngại việc giảm tải bệnh viện sẽ khó khăn nếu người bệnh không thay đổi tâm lý cứ có bệnh là phải " chạy" lên tuyến Trung ương, trong khi đó nhiều bệnh tuyến cơ sở đủ sức chữa trị. Bệnh nhẹ " chạy" lên Trung ương vừa kéo theo sự quả tải vừa khó khăn trong công tác chi trả bảo hiểm.Trước đây, khi đi khám chữa bệnh trái tuyến, người bệnh được chi trả ở các mức 30, 50 và 70% chi phí tùy theo loại bệnh viện. Tuy nhiên, từ 1/1/2015 - ngày Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có hiệu lực, khi vượt tuyến Trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40%, tuyến tỉnh mức chi là 60% khi nằm viện điều trị nội trú; còn người đi khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán. Việc bảo hiểm y tế " thắt chặt" việc thanh toán đối với người bệnh vượt tuyến có thể vì mục đích giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm, thay đổi tâm lý chữa bệnh " thích" lên Trung ương?
Cam kết không để người bệnh nằm ghép là sự đổi mới, là quyết tâm đáng ghi nhận của ngành Y tế, nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là phải được thể hiện bằng hành động và có hiệu quả thực sự thông qua chỉ số tín nhiệm của người bệnh và dư luận xã hội.
.