Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201412/thuc-hien-viec-tong-ra-soat-chinh-sach-doi-voi-nguoi-co-cong-mot-chinh-sach-thiet-thuc-day-tinh-nhan-van-570510/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201412/thuc-hien-viec-tong-ra-soat-chinh-sach-doi-voi-nguoi-co-cong-mot-chinh-sach-thiet-thuc-day-tinh-nhan-van-570510/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Một chính sách thiết thực, đầy tính nhân văn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 18/12/2014, 08:16 [GMT+7]
Thực hiện việc tổng rà soát chính sách đối với người có công

Một chính sách thiết thực, đầy tính nhân văn

(Congannghean.vn)-Phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách này là quá trình lâu dài, thường xuyên phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
 
Vì nhiều lý do khác nhau, việc cập nhật, theo dõi, lưu trữ các loại hồ sơ của người có công còn không ít bất cập, thiếu sót. Bên cạnh đó, ở một số địa phương còn tồn đọng một lượng hồ sơ chưa được xử lý kịp thời, việc tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi vẫn còn sai sót, tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận. Trước thực tế đó, ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thực hiện trong vòng hai năm 2014 và 2015.
Việc rà soát chính sách đối với người có công thể hiện được tính nhân văn  và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của cả dân tộc - Ảnh minh họa
Việc rà soát chính sách đối với người có công thể hiện được tính nhân văn và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của cả dân tộc
 
Việc tổng rà soát được giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng xây dựng chương trình, phối hợp thực hiện. Đợt tổng rà soát trên quy mô toàn quốc, tập trung vào 7 nhóm đối tượng chính, bao gồm: Liệt sĩ và gia đình liệt sĩ; mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, bệnh binh; người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học; người có công giúp đỡ cách mạng; cựu thanh niên xung phong kháng chiến. Có thể nói, việc thực hiện tổng rà soát chính sách đối với người có công được tiến hành trong giai đoạn hiện nay là hết sức thiết thực, đầy tính nhân văn.
 
Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng chục triệu chiến sĩ, đồng bào ta đã dũng cảm đứng lên đánh giặc. Có người trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù ngoài mặt trận; có người tham gia lao động sản xuất, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn. Trong số họ, hàng triệu lượt người đã anh dũng hy sinh, có những người bị mất đi một phần cơ thể, bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Cùng với đó là gia đình, người thân của họ phải chịu đựng những tổn thất, mất mát.
 
Với mục tiêu, các đối tượng chính sách phải có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư ở nơi cư trú, cuộc tổng rà soát lần này nhằm xác định rõ các đối tượng người có công và thân nhân hưởng chính sách ưu đãi. Bên cạnh việc hoàn thiện, củng cố hồ sơ của những người đã được hưởng chế độ thời gian qua, cuộc tổng rà soát còn hướng tới mục tiêu quan trọng khác là phát hiện được những người có công và gia đình thân nhân chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
 
Trên thực tế, hiện còn một số lượng đáng kể những người có công lẽ ra xứng đáng nằm trong diện được thụ hưởng nhưng do hồ sơ, giấy tờ bị thất lạc nên bản thân họ và gia đình vẫn đang phải chịu thiệt thòi. Nhiều người trong số đó dù tuổi đã cao nhưng cũng đang phải mòn mỏi đợi chờ “nút thắt” trong công tác hồ sơ, thủ tục được tháo gỡ. Từ cuộc tổng rà soát, trên cơ sở phát hiện những bất cập, tồn tại trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, các cơ quan chức năng sẽ đề ra được những giải pháp khắc phục, tháo gỡ, nhằm đảm bảo công bằng và thể hiện sự tri ân đối với những người có công.
 
Việc xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng qua các thời kỳ là công việc khó khăn, phức tạp. Do chiến tranh gian khổ, lâu dài, điều kiện cấp, bảo quản các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan còn hạn chế, dẫn tới việc có nhiều trường hợp bị thương, bị ảnh hưởng sức khỏe từ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến nay không còn các loại giấy tờ, người làm chứng để làm căn cứ xác nhận. Trước thực tế này, ngành lao động thương binh và xã hội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục lập hồ sơ đối với những trường hợp không có giấy tờ gốc nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có công.
 
Tuy nhiên, khi đáp ứng được một phần nguyện vọng của những người xứng đáng được thụ hưởng chính sách ưu đãi bằng cách đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ thì mặt trái của nó là nhiều trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn đã lợi dụng để khai man, gian lận hồ sơ nhằm trục lợi, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là việc làm trái pháp luật, đạo lý cần phải lên án. Cuộc tổng rà soát lần này chính là cơ hội để phát hiện và nghiêm trị theo pháp luật những trường hợp khai man, làm giả hồ sơ, mang lại niềm tin cho nhân dân.
 
Từ trước tới nay, việc quản lý thực hiện chính sách ưu đãi với người có công chủ yếu do chính quyền các địa phương thực hiện. Trong cuộc tổng rà soát đang được thực hiện, trách nhiệm đã được giao nhiều hơn cho các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, nhằm đảm bảo tính khách quan. Cụ thể, Hội Phụ nữ chịu trách nhiệm rà soát thực hiện chính sách với bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thân nhân liệt sĩ; Hội Cựu chiến binh là lực lượng chủ lực rà soát các đối tượng thương binh, bệnh binh; Hội Thanh niên xung phong tập trung rà soát đối tượng từng tham gia thanh niên xung phong…
 
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện để đông đảo nhân dân giám sát, tiêu chuẩn danh sách các đối tượng nằm trong diện rà soát sẽ được niêm yết, công bố công khai ở các địa bàn khu dân cư. Với cách làm đổi mới, sáng tạo, triệt để, hy vọng cuộc tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công được triển khai trên diện rộng trong thời gian tới sẽ thu được kết quả như mong muốn.
.

Bùi Minh Tuấn

.