Gia đình xã hội

Trở lại bài: 'Chuyện trái khoáy ở Thanh Chương'

Chính quyền thiếu trách nhiệm, cơ quan chức năng lúng túng

09:20, 18/11/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Báo Công an Nghệ An số ra ngày 3/11/2014 có bài: “Chuyện trái khoáy ở Thanh Chương: Người tâm thần làm cán bộ, dược sĩ thường xuyên cấp phát sai thuốc cho bệnh nhân”, phản ánh: Ông Trần Quốc Việt, dù có bệnh án tâm thần vẫn được làm cán bộ; bà Nguyễn Thị Hoa Phượng, dược sĩ trung học thường xuyên cấp phát sai thuốc cho bệnh nhân. Bài báo đặt câu hỏi: Phải chăng, công tác cán bộ, tuyển dụng, sử dụng lao động tại huyện Thanh Chương đang có vấn đề? Trả lời báo chí về những vấn đề trên, UBND huyện lại nặng về báo cáo thành tích.
 
UBND huyện Thanh Chương trả lời hay “báo cáo thành tích”?
 
Ngày 5/11/2014, Thường trực Huyện ủy Thanh Chương đã giao Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan xác minh, xử lý thông tin báo nêu. Trước đó, ngày 4/11/2014, UBND huyện Thanh Chương có công văn trả lời báo Công an Nghệ An. Tuy nhiên, công văn của UBND huyện Thanh Chương đã “lờ đi” trường hợp dược sĩ không đảm bảo chuyên môn đang làm việc tại Trạm Y tế xã Thanh Khai. Thay vì đề nghị các phòng, ban chức năng vào cuộc làm rõ vấn đề ẩn sau bệnh án tâm thần của ông Trần Quốc Việt thì UBND huyện Thanh Chương lại chỉ nêu thành tích của ông Việt trong 4 năm công tác gần đây.
UBND huyện Thanh Chương trả lời hay báo cáo thành tích thay ông Việt?
UBND huyện Thanh Chương trả lời hay báo cáo thành tích thay ông Việt?
Theo đó, từ năm 2010 - 2013, ông Trần Quốc Việt được xếp loại Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chi bộ khối 1 (do ông Việt làm Bí thư Chi bộ) 4 năm liền đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh. Với trách nhiệm của người đại biểu HĐND thị trấn, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2013, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Thanh Chương do ông Việt đứng đầu đã được UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen, bản thân ông được nhận nhiều Giấy khen của các cấp, ngành. Như vậy, thông tin UBND huyện Thanh Chương cung cấp cho thấy, bản thân ông Việt là người hoàn toàn bình thường, vẫn đảm đương tốt trọng trách được giao. 
 
Một người được xác nhận là hoàn toàn “bình thường” như ông Việt tại sao lại có bệnh án tâm thần, được Trung tâm Giám định Y khoa Nghệ An kết luận mang bệnh tâm thần, mã bệnh F06.9? Đây là mã bệnh đủ điều kiện những người từng tham gia chiến đấu làm và hưởng chế độ chất độc hoá học (CĐHH). Trên thực tế, ông Việt đã được hưởng chế độ CĐHH từ ngày 1/8/2011. Dư luận có quyền nghi ngờ về tính trung thực của bệnh án tâm thần và biên bản giám định của Hội đồng giám định Y khoa Nghệ An.
 
Cũng cần nói thêm rằng, để được hưởng chế độ CĐHH, ngoài bệnh án tâm thần, biên bản giám định y khoa, cuối tháng 11/2011, hồ sơ của ông Trần Quốc Việt đã được ông Võ Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương; ông Trần Văn Hợi, Phó Bí thư Đảng ủy và bà Nguyễn Thị Mạo, Phó Chủ tịch UBND và nhiều thành phần khác tại UBND thị trấn Thanh Chương ký vào Giấy xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH.
 
Như vậy có thể khẳng định, việc ông Việt bị bệnh tâm thần không chỉ ông Việt biết mà các cấp, ngành tại địa phương đều biết. Tuy nhiên, chỉ ít tháng sau khi đặt bút ký xác nhận ông Việt bị tâm thần, UBND huyện Thanh Chương lại chuẩn y để ông Việt đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Thanh Chương. Điều đó khiến dư luận hết sức bức xúc.
 
Đi tìm sự thật
 
Trung tâm Giám định Y khoa Nghệ An có những lý giải khó hiểu khiến chúng tôi hết sức băn khoăn. Theo ông Phan Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa Nghệ An, việc giám định để xác định bệnh nhân tâm thần gặp rất nhiều khó khăn. Vì mục đích cá nhân, không ít bệnh nhân sẵn sàng tạo ra những “màn kịch” nhằm qua mắt các bác sĩ. Quy trình để giám định bao gồm gia đình bệnh nhân gửi y sao bệnh án từ Bệnh viện Tâm thần sang Trung tâm. Trung tâm sẽ trực tiếp đối chiếu, khám, tes, sau đó gửi ra điều trị thử 1 tháng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương để xác định. Trên cơ sở đó, Hội đồng giám định sẽ họp để thống nhất kết quả.
 
“Tuy nhiên, chi phí để điều trị thử rất lớn, lại phải nhốt cách ly để theo dõi... liên quan đến đối tượng chính sách, điều kiện kinh tế khó khăn, lại tế nhị nên Trung tâm đã... làm tắt(?). Tức là, bỏ mất khâu điều trị thử tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương mà gửi ngược hồ sơ sang Bệnh viện Tâm thần Nghệ An để hoàn tất thủ tục”. Như vậy, ngoài các thành viên Hội đồng giám định, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An sẽ đóng cả 2 vai trò: Vừa là bác sĩ khám, điều trị, vừa là thành viên Hội đồng giám định. Thực tế, Trung tâm Giám định Y khoa Nghệ An chủ yếu chỉ đóng vai trò kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, bệnh án. 
 
Kết quả biên bản giám định do Hội đồng giám định họp ngày 13/6/2011 cho thấy, ông Trần Quốc Việt được đánh giá: “Hiện tại: Bệnh nhân mệt mỏi, ăn ngủ ít, cảm xúc không ổn định, có rối loạn hành vi, tư duy chậm chạp, trí nhớ giảm. Kết luận chuyên khoa tâm thần: F06.9 rối loạn tâm thần không biệt định do rối loạn chức năng não... Tỉ lệ giảm khả năng lao động do bệnh trên là 50%”.
 
Bác sĩ Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho rằng, bệnh F06.9 của ông Việt là bệnh mạn tính nên phải điều trị bắt buộc suốt đời, xã hội quản lý. Người mắc bệnh này sẽ bị thay đổi nhân cách, khả năng điều khiển, ý thức về hành vi giảm sút, không thể đảm nhận các cương vị lãnh đạo và cũng không nên giao các trọng trách lớn cho những người mắc chứng bệnh này. Trong khi đó, ông Minh lại cho rằng, căn bệnh này không ảnh hưởng đến việc điều hành công việc, khả năng công tác của ông Việt (?).
 
Khi được chất vấn xung quanh tình trạng của bệnh nhân, ông Minh lại cho rằng, bản giám định chỉ có thể xác định tình trạng bệnh nhân ở thời điểm “hiện tại”. “Vì vậy, nếu nói có thể đảm đương được nhiệm vụ công tác, công tác lãnh đạo hay không tôi cũng không dám chắc”, ông Minh phân trần.
 
Dư luận có quyền nghi ngờ xung quanh những vấn đề liên quan đến cá nhân ông Trần Quốc Việt. Xin gửi những thắc mắc trên về các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong khuôn khổ bài viết khác.

Vũ Nguyên

Các tin khác