Gia đình xã hội
Nhiều cấp phó có phải để ban phát lợi ích?
08:49, 14/11/2014 (GMT+7)
Số lượng cấp phó lâu nay đã được quy định trong các văn bản của Chính phủ, Bộ Nội vụ, nhưng với điệp khúc là “ngành, lĩnh vực, quan trọng, phức tạp” cần “xin” thêm, tình trạng “lạm phát” cấp phó cứ thế diễn ra khiến dư luận không khỏi bức xúc...
Thực tế cho thấy, cấp phó cũng rất quan trọng vì một mình cấp trưởng không thể làm hết việc. Nhưng “đẻ” ra nhiều cấp phó quá vô hình chung lại biến những cấp phó này thành một cấp hành chính “đặc thù”. Bởi một việc gì trình cấp trưởng ký lại phải qua cấp phó phụ trách "ngâm cứu" đã. Và đi theo một cấp phó không chỉ là tiền lương mà còn các chế độ, chi phí hành chính khác.
Trong khi Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách hành chính, công vụ và phải loay hoay, xoay xở với chiếc bánh ngân sách hạn hẹp để tăng lương, thì “lạm phát” cấp phó sẽ có khả năng dẫn đến phình bộ máy hành chính, tiêu tốn ngân sách mà còn làm giảm hiệu quả, hiệu lực công vụ và không loại trừ đùn đẩy trách nhiệm để rồi “cha chung không ai khóc”…
Nhiều cấp phó quá, chẳng dân nào đóng thuế nuôi nổi! - Ảnh minh họa |
Mặt khác, trong việc bổ nhiệm cấp phó, nếu làm không cẩn thận cũng rất dễ xảy ra tiêu cực, hay tạo cơ chế “xin- cho”. Bởi, người được bổ nhiệm chưa chắc đã phải người thực tài mà nhờ "chạy” giỏi. Và kéo theo đấy là những hậu quả như: công việc trì trệ, ách tắc hay những cấp phó này với “đặc quyền, đặc lợi” được cấp trưởng giao phó sẽ có thể tìm mọi cách để thu lại khoản tiền đã mang đi "chạy chức”.
Còn nhớ cách đây không lâu, dư luận đã không khỏi bức xúc khi nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ trước khi “hạ cánh” đã bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, trong đó chủ yếu là hàm vụ trưởng, vụ phó và cấp tương đương. Dư luận cũng không khỏi nghi ngờ đằng sau việc bổ nhiệm nhiều cấp lãnh đạo như vậy có hay không câu chuyện ban phát lợi ích?.
Nói như đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc tại diễn đàn Quốc hội thì: “Cấp phó cũng là một chức quyền, từ chức quyền đó trong cơ chế ngày nay rất dễ tạo cơ hội để họ có thể “kiếm chác” được. Vì thế bổ nhiệm thêm cấp phó cũng là cách ban phát lợi ích cho nhau” . Song, điều đáng lưu ý ở đây: “Biểu hiện ban phát cấp phó là có nhưng tìm ra chứng cứ là khó”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chia sẻ.
Do đó, ngay từ bây giờ, cần tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện số lượng cấp phó tại các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương. Việc rà soát này phải dựa trên cơ sở chức năng nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu điều hành, để có kiến nghị cho phù hợp.
Về phía các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ phải thực sự nghiêm túc trước khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cấp phó. Và việc bổ nhiệm đó phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và người được bổ nhiệm phải đủ điều kiện, năng lực, chứ không phải là hình thức ban phát hay vì lợi ích nhóm.
Mặt khác, tới đây trong Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần phải có những quy định cụ thể về vấn đề này để tránh vận dụng một cách tùy tiện khi thi hành. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự tùy tiện trong vận dụng tưởng rằng chỉ liên quan đến lợi ích của một số người nhưng rất có thể lại ảnh hưởng lớn đến xã hội. Đừng để nơi nào cũng “đẻ” ra nhiều cấp phó quá, chẳng dân nào đóng thuế nuôi nổi!
Nguồn: dangcongsan.vn