Gia đình xã hội
Người đảng viên với đam mê sưu tầm tư liệu về Bác Hồ
14:07, 13/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Bằng tất cả tấm lòng của mình, 40 năm nay, đảng viên Cao Tiến Gia (SN 1940), Chi bộ 21, xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu không ngừng tìm tòi, lưu giữ để có được trên 340 bức ảnh và hàng nghìn trang tài liệu quý về Bác.
Ngay từ nhỏ, khi được ông bà, cha mẹ kể về Bác Hồ, hình ảnh của Người đã khắc sâu vào tâm trí ông Cao Tiến Gia với tấm lòng ngưỡng mộ cao cả. Năm 1964, theo tiếng giọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ tham gia nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Lào, Campuchia, sau đó vào miền Nam để chống Mỹ cứu nước. Sau khi nhập ngũ và giữ chức vụ Chính trị viên Đại đội I, Tiểu đoàn 86, Lữ đoàn 71, Quân đoàn 4, ông Gia có cơ hội được tìm hiểu sâu sắc hơn về Bác để tuyên truyền cho anh em trong đơn vị. Ông tiếp tục sưu tầm các tư liệu về Bác và cất giữ trong ba lô rất cẩn thận. Năm 1983, ông nghỉ mất sức 65% với chế độ bệnh binh 2/3, nhưng ông vẫn đảm nhận chức Bí thư Chi bộ xóm và có điều kiện để sưu tầm thêm về hình ảnh của Bác.
Mặc dù chưa một lần được gặp Bác nhưng qua sách báo, những câu chuyện kể về Bác ngày một nhiều thêm. Ông tâm sự: “Mục đích của tôi sưu tầm tư liệu, sách báo, nghiên cứu trước tiên nâng cao kiến thức cho mình, xứng đáng là người đảng viên cộng sản, sau đó tuyên truyền cho con cháu, bạn bè, đồng đội và nhân dân thấm nhuần sâu sắc hơn tư tưởng, đạo đức của Bác”.
Ông Gia trong căn nhà nhỏ sưu tầm ảnh về Bác Hồ kính yêu |
Ông thường hay tới các tiệm sách, nhà đồng đội để tìm kiếm, sưu tầm các tài liệu về Bác. Có nhiều người biết ông hay sưu tầm tư liệu về Bác nên gửi tặng ông rất nhiều. Mới đây, ông được một người bạn bên Nga gửi tặng cuốn tư liệu về Bác được sáng tác tại nước Nga. Bộ sưu tập tài liệu về Bác của ông ngày càng hoàn thiện.
Trong gian nhà nhỏ ấm cúng, ông sưu tầm đủ các loại tranh ảnh, sách báo về Bác. Mỗi tờ báo hay tạp chí mà ông sưu tầm đều gắn với một mẩu chuyện hay một bài viết nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ở đây còn có cả những mẩu chuyện truyền miệng về sự đức độ của Người. Ông Gia cũng có cách nghiên cứu rất riêng, đó là sưu tầm sách báo viết về Người, rồi biên soạn lại cho súc tích để tuyên truyền, phổ biến trong các cuộc họp hoặc trong những lần nói chuyện với đồng đội, các cháu thiếu niên, nhi đồng… Ông không nhớ mình đã đọc bao nhiêu câu chuyện về Bác, nhưng đã đọc chuyện nào ông đều nhớ và có thể kể lại cho bà con, các cựu chiến binh nghe. Mỗi câu chuyện, mỗi tư liệu đều mang một ý nghĩa riêng, rõ nét.
Ngoài sưu tầm tranh ảnh, tư liệu, ông Gia còn có niềm đam mê sáng tác thơ về Bác và quê hương, đất nước. Hết cuốn sổ này đến cuốn sổ khác, ông đã làm hàng chục bài thơ về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác. Những bài học về đường lối cách mạng, quan điểm đạo đức, tác phong của Bác Hồ, ông sắp xếp lôgic, theo trình tự thời gian. Nhờ công lao tìm tòi của mình mà nhà ông Gia lúc nào cũng là nơi sinh hoạt văn hoá của rất nhiều thế hệ. Đặc biệt, việc làm của ông đã thôi thúc mọi người làm nhiều hơn những việc ý nghĩa, có ích. Nhiều năm qua, xóm 21 luôn dẫn đầu xã về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào đồng ruộng như việc thâm canh lúa lai mới mang lại năng suất cao. Chi bộ xóm nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh xuất sắc.
75 tuổi đời, hơn 40 năm tuổi Đảng, ông Gia vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen... Nhưng cái quý giá nhất của ông vẫn là được thể hiện tấm lòng của mình với Bác Hồ thông qua những trang viết, những tư liệu quý. Giờ đây, căn nhà nhỏ giản dị và mộc mạc của gia đình ông trở nên ấm cúng. Không chỉ con cháu mà các đồng đội về cùng góp thêm những tư liệu quý giá gửi ông gìn giữ. Nguồn tư liệu vô giá này không chỉ thể hiện tình yêu và sự tôn kính của ông đối với Bác mà còn góp phần giáo dục các thế hệ hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và có những việc làm cụ thể để làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Cao Loan