Gia đình xã hội

Tăng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng

10:39, 13/11/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Đây là nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), được các ĐBQH tập trung thảo luận chiều 12-11. Cùng ngày, Quốc hội đã nghe Tờ trình về Luật An toàn vệ sinh lao động và thảo luận về dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi).
Thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân với Tổ quốc
Thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân với Tổ quốc
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho biết, nâng độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự từ 25 tuổi lên 27 tuổi là cần thiết. Khi đó, số đối tượng ở độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ tăng lên, trong khi tỷ lệ tham gia nghĩa vụ quân sự có thể sẽ giảm xuống. Với mức quy định độ tuổi 25 như hiện nay, chúng ta cũng mới chỉ gọi nhập ngũ được 6% tổng số đối tượng trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tương tự, việc nâng thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự từ 18 tháng lên 24 tháng là hợp lý, song trong nhân dân cũng còn băn khoăn. 
 
ĐB Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân với Tổ quốc. Điều quan trọng hơn là trong khoảng thời gian này, sẽ trang bị cho công dân những kiến thức cơ bản, kỹ năng chiến đấu để trở thành một quân nhân dự bị và khi cần thiết họ sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc. Do đó, cần đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ quân sự, tạo điều kiện để mọi người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đều có cơ hội được tham gia rèn luyện. 
 
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Điểm nổi bật ở dự án Luật này là sẽ mở rộng đối tượng chịu điều chỉnh của Luật đến cả những đối tượng lao động không có hợp đồng lao động. Theo đó, dự    thảo còn có mục quy định riêng về chính sách cho người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động (nông dân, lao động tự do…).
 
Trình bày báo cáo thẩm tra, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, cần cơ chế khuyến khích và mở rộng việc áp dụng tiêu chuẩn ATVSLĐ đối với khu vực không có quan hệ lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, hướng tới mục tiêu lâu dài là mọi người lao động được làm việc trong môi trường an toàn. Hiện ở nước ta có tới hơn 60% người lao động đang làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động. 
 
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, trong giai đoạn 2006 - 2013, chỉ tính riêng khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, số người chết do tai nạn lao động là trên 5.300 người (gần 700 người chết mỗi năm), trên 40.000 người bị thương tật với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. 

Nguồn: Anninhthudo.vn

Các tin khác