Gia đình xã hội
Báo động tình trạng lạm dụng lao động trẻ em
08:09, 15/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Tình trạng lạm dụng lao động trẻ em (LĐTE) là vấn đề ngày càng nan giải ở nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng. Mặc dù không ngừng nỗ lực ngăn chặn và từng bước xóa bỏ, nhưng hiện nay, tỉ lệ LĐTE bị lạm dụng vẫn ở mức cao, nhất là những trường hợp phải lao động nặng nhọc, làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Điều đó cho thấy, lộ trình thực hiện mục tiêu xóa bỏ “vấn nạn” này còn nhiều bất cập và gian nan.
Lao động trẻ em tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường - Ảnh minh họa |
Tuổi thơ bị “đánh cắp”
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), LĐTE là trẻ em dưới 16 tuổi trực tiếp hoặc gián tiếp làm những công việc nặng nhọc, độc hại hay nguy hiểm, làm việc quá 6 tiếng/ngày, không có thời gian cần thiết để học tập, vui chơi, giải trí.
Em Nguyễn Thị B. (15 tuổi) ở xóm 9, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu đã nghỉ học hơn 1 năm nay để làm công việc bốc gạch táp lô cho một cơ sở sản xuất ở xã Quỳnh Văn. Bố mất sớm, mẹ đi làm ăn xa, B. sống với ông bà nội già yếu. Gia cảnh khó khăn buộc em phải bỏ học để lao động kiếm sống. “Mỗi ngày em làm việc từ 8 - 10 tiếng, kiếm dăm chục nghìn đồng để phụ giúp thêm tiền ăn và thuốc thang cho ông bà.
Những ngày đầu mệt, đau tay và đau lưng nhưng giờ thì em quen rồi”, B. tâm sự. Theo quan sát của chúng tôi, nhóm bốc sò nơi B. làm có hơn 20 người, trong đó 8 - 9 người tầm tuổi B.. Nếu bốc đầy một chiếc xe tải chở sò, cả nhóm được trả gần 200.000 đồng. Phần lớn các em do hoàn cảnh khó khăn nên phải bỏ học giữa chừng, số khác may mắn hơn thì một buổi đi học, một buổi đi làm.
Cũng như người lớn, các em nhỏ bốc sò thuê ở đây đều không được trang bị bất cứ một trang thiết bị bảo hộ lao động nào. Vì vậy, việc bị những viên gạch rơi trúng chân, chảy máu không phải là chuyện hiếm gặp. B. chỉ là một trong số nhiều trường hợp trẻ em trên địa bàn tỉnh phải lao động kiếm sống sớm, không được hưởng những quyền lợi cơ bản theo quy ước quyền trẻ em.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An, chỉ trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh, tổng số trẻ em dưới 16 tuổi phải làm việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại, nguy hiểm là 120 em. Các hình thức lao động chủ yếu: Thợ xây, phụ hồ, đóng gạch, bốc vác… tập trung chủ yếu ở một số huyện như: Tương Dương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, TX Hoàng Mai...
Bên cạnh đó, có 1.166 em phải làm việc xa gia đình. Số trẻ em lao động ở các doanh nghiệp tư nhân, xây dựng, dịch vụ nhà hàng, gia đình thuê mướn có chiều hướng gia tăng. Đa phần các em đều làm các công việc lao động chân tay, không đòi hỏi kỹ năng lao động cao và tập trung nhiều ở vùng nông thôn, nhất là số trẻ em trong các hộ nghèo.
Cần một cái “bắt tay”
Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em phải lao động sớm, làm việc nặng nhọc trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Trong đó, không thể phủ nhận rằng, đói nghèo chính là nguồn gốc, căn cơ, là nguyên nhân chính. Vì nghèo đói, trẻ phải lao động sớm để mưu sinh. Cha mẹ các em biết nhưng “cái khó bó cái khôn” nên đành “lực bất tòng tâm”. Cùng với đó, hạn chế về nhận thức cũng là tác nhân. Thực tế, nhiều gia đình khá giả nhưng vì lợi ích vật chất trước mắt vẫn ép buộc con trẻ đi làm, thậm chí làm quá sức, bất chấp mọi hệ lụy.
Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa, nhiều người dân vì nhận thức thấp kém, quan niệm con mình cần làm việc sớm để “nên người”, giúp gia đình bớt khó khăn nên đã vô tình đánh mất tương lai của trẻ. Bên cạnh đó, LĐTE còn là hệ quả tất yếu từ việc một số trẻ suy nghĩ nông nổi, học kém nên chán học và muốn kiếm tiền để khẳng định giá trị bản thân. Trong khi nhiều doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động rất chuộng sử dụng LĐTE, bởi giá nhân công rẻ, lại dễ phục tùng.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Lương, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh thì việc ngăn chặn tình trạng LĐTE là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, những năm qua, công tác này vẫn đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Một phần do kinh phí hạn hẹp, đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên trách về chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở địa phương còn mỏng, không thể sâu sát đến từng cơ sở. Nhưng quan trọng hơn là những rào cản từ chính gia đình và cộng đồng xã hội. Không ít trường hợp biết có trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm nhưng che giấu, không khai báo kịp thời, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng…
Để ngăn chặn tình trạng này, thiết nghĩ, phải gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, trong đó chú trọng tạo việc làm bền vững để các bậc cha mẹ có thu nhập ổn định, không bắt con lao động sớm. Bước chuyển biến nhận thức cũng phải bắt đầu từ mỗi gia đình, chủ sử dụng lao động. Do đó, phải tăng cường truyền thông cả bề rộng lẫn chiều sâu, phù hợp với điều kiện, đặc thù kinh tế - xã hội của từng vùng, miền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Điều cần thiết nữa chính là sự vào cuộc của các cấp chính quyền, địa phương, các cơ quan pháp luật, đưa “vấn nạn” bóc lột LĐTE vào trong luật, xử lý mạnh tay và nghiêm minh những hành vi lạm dụng LĐTE.
Hồng Hạnh