Gia đình xã hội

Bám biển và câu chuyện khơi dậy sức dân

08:20, 17/11/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Có thể không cần nói thêm, thì câu chuyện về truyền thống vươn khơi, bám biển từ bao đời nay của ngư dân sống dọc dài mảnh đất hình chữ “S” đã là một tất yếu. Trong chiến tranh, họ là những người vừa trực tiếp đánh bắt thủy, hải sản, vừa làm nhiệm vụ tiếp ứng, phối hợp với các lực lượng chủ lực đánh trả tàu chiến của địch, bảo vệ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, họ vẫn đoàn kết một lòng, “đồng cam cộng khổ”, giúp nhau trong hoạn nạn để kiên cường bám biển, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
 
Xin bắt đầu bằng câu chuyện ngư dân ở các xã Quỳnh Long, Sơn Hải, Quỳnh Thuận… của huyện Quỳnh Lưu tập trung sức người để cùng nhau hộ tống, kéo con tàu đánh cá mang số hiệu  NA- 93223-TS của anh Thái Bá Lam trú tại xóm 3, xã Sơn Hải cùng 9 ngư dân gặp nạn do vướng phải bãi đá ngầm ngay cửa biển Lạch Quèn vào rạng sáng 11/11 vừa qua. Đây là con tàu cá của anh Lam cùng 6 ngư dân khác vừa mới vay mượn, đóng mới với chi phí 1,5 tỉ đồng.
Hàng trăm người dân tạo thành sức mạnh tập thể để cứu giúp, kéo tàu cá ngư dân bị nạn vào bờ
Hàng trăm người dân tạo thành sức mạnh tập thể để cứu giúp, kéo tàu cá ngư dân bị nạn vào bờ
Thế nhưng, vào sáng 11/11 vừa qua, trong hải trình ra khơi đánh bắt cá cách đất liền 1,5 km thì gặp nạn. May mắn, khi tàu bị chìm, tất cả các thuyền viên trên tàu đều được cứu sống an toàn. Xin chưa bàn tới phương thức trục vớt tàu như thế nào. Nhưng chỉ sau 3 ngày mắc kẹt ở cửa biển, ngư dân ở đây đã “sáng tạo” bằng cách nối dây thừng cỡ lớn vào tàu rồi huy động sức mạnh của hàng trăm người tập trung kéo tàu vào bờ. Cũng xin chưa vội bình luận hình ảnh tập trung đông người để dùng phương án kéo, cứu tàu bằng phương pháp thủ công như vậy có “nguyên thủy” hay không?!.
 
Nhưng ấn tượng mà mọi người đều thấy là ngay từ sáng sớm 13/11, hàng trăm người dân ở các xã Sơn Hải, Quỳnh Long, Quỳnh Thuận… sau khi nghe tiếng kẻng đã tập trung, tạo thành sức mạnh tập thể để kéo tàu vào đất liền. Mặc dù, trong quá trình va đập, bị chìm, hư hỏng nhiều bộ phận nhưng đến gần 10 giờ cùng ngày, tàu đã được kéo vào bờ thuộc địa phận thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long. 
 
Hình ảnh lực lượng dân quân, dân phòng, lãnh đạo chính quyền xã Quỳnh Long trực tiếp cùng người dân tập trung đưa tàu bị nạn vào bờ khiến ai cũng cảm phục. Họ, những người dân nơi đất liền hàng ngày vẫn phải quăng quật với cuộc sống mưu sinh nhưng khi hay tin tàu của người ngư dân mình gặp nạn, không ai bảo ai đều quần tụ lại với nhau cứu giúp.
 
Họ, bất luận già trẻ, gái trai, không phân chia tầng lớp đều đoàn kết với nhau lại để “cứu bạn cũng như cứu mình” trong cơn hoạn nạn. Không đắn đo suy nghĩ, không một chút đố kỵ, cùng nhau góp mỗi người một chút sức tình nguyện để tạo thành một sức mạnh tập thể. Hành động ấy, nghĩa cử cao đẹp như vậy đã phần nào nói lên sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Và, chưa nhìn ở đâu xa, hình ảnh của ngư dân tại cửa biển Lạch Quèn vừa qua là minh chứng cụ thể nhất về sức dân.
 
Không ít lần, tôi đã có dịp lang thang đi dọc dài nơi vùng bãi Ngang của huyện Quỳnh Lưu, được chứng kiến bề dày văn hóa, tinh thần đoàn kết mà cha ông nghìn đời cùng nhau hun đúc. Cũng không hiếm gặp những câu chuyện về “tình làng nghĩa xóm” mà những ngư dân vùng biển Quỳnh kể lại. Có lẽ, vì cái vị mặn mòi của biển, chất giọng đầm ấm, pha lẫn tiếng sóng, tiếng gió đã hình thành nên tính cách của con người nơi đây về tính chịu thương, chịu khó. Dù nhà có đám vui, đám buồn, họ cũng quây quần bên nhau sẻ chia, hàn huyên câu chuyện “tối lửa tắt đèn có nhau”. Rồi mỗi khi nghe tin một người con mãi mãi nằm lại nơi biển khơi, họ cũng đau như chính người thân của gia đình nạn nhân vậy…  
 
Trở lại với câu chuyện ngư dân cửa biển Lạch Quèn tập trung cứu giúp, lai dắt để kéo tàu cá NA- 93223-TS bị nạn vào đất liền cho thấy sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc luôn rạng ngời, duy trì xuyên suốt trong lòng mỗi người dân. Hình ảnh ấy như tiếp thêm sức mạnh để ngư dân vốn dĩ từ bao đời nay xem “tàu là nhà, biển cả là quê hương” thêm niềm tin, điểm tựa bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
 
Và, cũng chính nơi đất liền, hậu phương lâu nay vẫn tạo thành trì vững chắc, điểm tựa để những trai tráng với tấm lưng trần vạm vỡ vững tay chèo, tay lái cho mùa về tôm cá đầy khoang. Với ngư dân nơi đây, không chỉ khi tàu anh Lam gặp nạn mà bất kể một ai khác, tinh thần sẵn sàng cứu giúp, tương trợ lẫn nhau đã tạo thành bề dày không bao giờ rạn nứt.

Ngọc Thái

Các tin khác