Gia đình xã hội
Lại chuyện đầu tư tiền tỉ xây dựng chợ rồi bỏ hoang
08:04, 20/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Từ điểm cầu Cây Chanh tại xã Thành Sơn ở mạn Đông Bắc của sông Lam, qua con đường đất đỏ lầy lội khoảng 7 km là đến trung tâm xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Được biết, đây là một trong những xã thuộc diện khó khăn của huyện miền núi Con Cuông. Những năm về trước, để ra các khu chợ thị trấn Con Cuông hoặc các khu chợ lân cận thuộc huyện Anh Sơn mua hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày là một việc làm hết sức khó khăn đối với bà con dân tộc nơi đây.
Thấu hiểu sự vất vả của địa phương, Nhà nước đã có chủ trương đầu tư xây dựng một khu chợ tại trung tâm xã này. Theo đó, đầu năm 2010, chợ Thạch Ngàn được khởi công xây dựng, nguồn vốn đầu tư hơn 1,8 tỉ đồng do ngân sách tỉnh hỗ trợ. Công trình chợ Thạch Ngàn khang trang nằm tọa lạc giữa trung tâm bản Đồng Tâm được hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2010.
Chợ Thạch Ngàn được đầu tư tiền tỉ nay đành bỏ hoang |
Theo như lãnh đạo xã Thạch Ngàn trao đổi thì thời gian đầu chợ Thạch Ngàn hoàn thành và đưa vào sử dụng, việc mua bán, giao thương của bà con nơi đây có nhiều khởi sắc. Từ việc phải đi chợ xa hàng chục km nay đã rút ngắn khoảng cách, người dân không phải đi lại khó khăn như trước kia. Hơn nữa, các tiểu thương trên địa bàn cũng có điều kiện kinh doanh buôn bán ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Bên cạnh đó, việc phát huy những thế mạnh của địa phương về nông sản đặc trưng sẽ được đưa ra bày bán rộng rãi trên thị trường, góp phần làm thay đổi bộ mặt của xã miền núi này. Thế nhưng, niềm vui chẳng kéo dài được bao lâu khi chợ hoạt động ngày càng èo uột, đến cuối năm 2011 (chỉ sau 1 năm đưa vào sử dụng - P.V), chợ đã vắng bóng những gian hàng và sau đó là bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, trở thành nơi chăn thả trâu, bò và đổ rác.
Một người dân cho biết, thực chất người dân vẫn muốn có chợ để họp tập trung, nhưng do làm ăn không hiệu quả nên các tiểu thương cũng không mặn mà với việc thuê địa điểm kinh doanh tại đình chợ. Nhưng lý do lớn nhất phải kể đến là đã có những chiếc xe di động từ dưới xuôi đưa hàng đi bán tận các thôn, bản. Vì vậy, người dân không ra vào chợ, không bán được hàng nên các tiểu thương cứ thế trả lại địa điểm kinh doanh cho UBND xã.
Trao đổi với P.V, ông Ngân Xuân Nhung, Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn buồn bã cho biết: “Chợ đầu tư tiền tỉ thật, thế nhưng chỉ sử dụng được một thời gian ngắn rồi tiểu thương lần lượt bỏ chợ. Hiện, chỉ còn lại vài ki-ốt mặt đường tiểu thương thuê với giá 5 triệu đồng/năm, còn đình chợ thì coi như bỏ phí hoàn toàn”.
Câu chuyện chợ xây xong đã lâu mà người dân không màng tới ở Thạch Ngàn là một bài học điển hình cho công tác quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền Tây Nghệ An hiện nay.
Ngọc Thái