Gia đình xã hội
Những người thầy dẫn lối về nẻo thiện
09:57, 19/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cũng như bao lớp học khác, thầy vẫn lên lớp với phấn trắng, bảng đen, giảng bài cho các “học trò”. Ở phía dưới, những “học trò” chăm chú nghe giảng, trong số họ có những thanh niên vừa chỉ mới rời vòng tay chăm sóc của cha mẹ, có những người đầu đã hai thứ tóc, xăm trổ đầy mình… nhưng giờ đây đều học chung một lớp. Một lớp học đặc biệt mà ở đó những người thầy được gọi là “cán bộ” thay vì thầy giáo. Và các thầy đang từng ngày dẫn lối cho các “học trò” hoàn lương.
Dạy học trong trại giam
Trại giam số 3 đóng chân trên địa bàn xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Nơi đây có hơn 2.000 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Mỗi phạm nhân là một thân phận, một câu chuyện cuộc đời với bao đắng cay, thăng trầm và họ đang phải trả giá cho tội lỗi của mình bằng những năm tháng sau song sắt. Và chắc hẳn ai trong số họ cũng mang trong mình một khát khao cháy bỏng: Sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, xã hội.
Một giờ học giáo dục công dân trong Trại giam số 3 |
Đại tá Phạm Văn Trường, Phó Giám thị Trại giam số 3 cho biết: Căn cứ quyết định của Bộ, hàng năm, Trại đều tổ chức các lớp học cho các phạm nhân mới đến Trại chấp hành án phạt tù. Lớp học nhằm giáo dục cho phạm nhân nắm vững cơ bản về chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân; quyền và nghĩa vụ của họ trong việc thực hiện Luật Thi hành án hình sự, nội quy trại giam, nếp sống kỷ luật, trật tự văn minh và 4 tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù trong trại giam. Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, nhằm định hướng cho họ trong việc chấp hành án phạt tù, chuộc lại lỗi lầm, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Qua đợt học tập, mỗi phạm nhân nhận rõ tội lỗi của mình, từ đó hối cải, cải tạo sớm trở về hòa nhập với cộng đồng, gia đình và xã hội, không tái phạm tội.
Theo đó, Ban Giám thị Trại giam chỉ đạo các phân trại phân loại đối tượng phạm nhân, phân công cán bộ giáo dục kèm cặp. Song song với đó, tổ chức cho phạm nhân học tập chương trình giáo dục công dân, tìm hiểu pháp luật, kỹ năng sống, dạy văn hóa và nghe thời sự chính trị. Những người thầy đảm nhận vai trò giảng dạy lớp học như thế chủ yếu là cán bộ Đội Giáo dục hồ sơ. Ngoài công việc chính là cải tạo phạm nhân, những người thầy đặc biệt hàng ngày vừa lên lớp, soạn bài, vừa tìm tòi, học hỏi những phương pháp giảng dạy dễ hiểu nhất.
Cũng có bàn, có ghế, có giấy trắng, bảng đen nhưng lớp học này người quản giáo là những người thầy, còn học trò là những phạm nhân. Già có, trẻ có… tất cả họ là những người đã một thời lầm lỗi đang cố gắng cải tạo thật tốt để mong sớm được trở về với xã hội, đoàn tụ với gia đình, người thân. Họ từng là giang hồ khét tiếng, là những trùm ma túy xuyên quốc gia… Có lẽ họ cũng không ngờ rằng, có ngày họ lại loay hoay với cây bút, quyển vở để bắt đầu lại với những bài học làm người.
Song song với các lớp học giáo dục công dân, Trại còn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ mở các lớp xóa mù chữ cho phạm nhân. Trung tá Phạm Mạnh Quê, Đội trưởng Đội Giáo dục hồ sơ cho biết: Nhiều phạm nhân là người dân tộc thiểu số, vùng cao, nông thôn nên không biết chữ, thông qua lớp học nhằm phổ cập xóa mù cho các phạm nhân. Sau mỗi lớp học, các phạm nhân đều biết đọc, biết viết, làm toán và được cấp chứng nhận theo quy định.
Dẫn lối về nẻo thiện
Từ đầu năm đến nay, Trại giam số 3 đã mở 25 lớp học cho 1.126 phạm nhân mới đến trại chấp hành án phạt tù, 12 lớp học tái hòa nhập cộng đồng cho 969 phạm nhân và có 79 phạm nhân được học xóa mù chữ. Cùng với việc giáo dục văn hóa, pháp luật cho phạm nhân thì công tác đào tạo nghề được Ban Giám thị Trại giam quan tâm đặc biệt, nhằm giúp phạm nhân sau khi ra tù tìm được công việc phù hợp. Những phạm nhân mới đến Trại đều có tâm trạng xáo trộn, hoang mang, nhiều người còn rất bi quan, chán nản.
Phần lớn phạm nhân ở Trại đang ở độ tuổi thanh niên, nhiều gương mặt còn non nớt đang quen sống trong sự chăm bẵm của gia đình đã sớm lao vào vòng lao lý. Vào trại giam, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương thông qua tổ chức các lớp học, buổi nói chuyện nên nhiều phạm nhân đã phấn đấu cải tạo tốt. Nhiều người sau khi ra tù đã trở thành những công dân tốt, như trường hợp của Nguyễn Cảnh Thông ở phường Quang Tiến, TX Thái Hòa, bị kết án 8 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, nhờ cải tạo tốt mà anh được đặc xá trước thời hạn. Sau khi mãn hạn tù, với hai bàn tay trắng, anh đã đi lên bằng chính nghị lực của mình, trở thành chủ cửa hàng gas và tham gia tích cực vào công tác đảm bảo ANTT ở địa bàn.
Vượt lên tất cả mọi khó khăn, thử thách, những người thầy đặc biệt ở Trại giam số 3 vẫn ngày ngày cần cù, nhẫn nại, bằng tấm lòng yêu nghề, tấm lòng nhân đạo, vị tha, dìu dắt cho hàng nghìn, hàng vạn tâm hồn lầm lạc hướng về cõi thiện để hoàn lương.
Huyền Thương