(Congannghean.vn)-Trong nhiều năm trở lại đây, xóm Ngọc Hạ, xã Công Thành, huyện Yên Thành có hàng chục người chết vì căn bệnh ung thư. Nguyên nhân chính có thể xuất phát từ kho thuốc trừ sâu của hợp tác xã cũ, hiện đang nằm trong khuôn viên của UBND xã.
Theo phản ánh của nhiều người dân, chúng tôi tìm về xã Công Thành, huyện Yên Thành. Vừa vào tới đầu xóm Ngọc Hạ, hỏi tới kho thuốc trừ sâu, một người dân chỉ về hướng UBND xã cho biết: Kho thuốc trừ sâu nằm ở trên đó. Nếu muốn tìm hiểu thì lên UBND xã gặp ông Dung, Trưởng Công an xã vì ông ấy là người làm việc lâu năm ở đó nên biết nhiều thông tin.
Khu vực bị nhiễm thuốc trừ sâu |
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Dung đưa tay chỉ ra cửa sổ, cho biết: “Đó là mảnh đất trước đây đặt kho thuốc trừ sâu, từ trước đến nay không ai dám đụng chạm vào mảnh đất đó. Vào những ngày trời nắng hay lúc chuyển sang mưa, tôi không thể ngồi làm việc ở phòng vì mùi thuốc trừ sâu bốc lên nồng nặc”.
“Cách đây khoảng 6 năm, Tập đoàn Viễn thông Quân đội về lắp ăng-ten thu phát sóng di động. Họ đã tiến hành đào hố để chôn trụ, nhưng chỉ mới đào xuống được khoảng 30 m thì mùi thuốc trừ sâu bốc lên nồng nặc. Cuối cùng, họ phải chọn cách đổ trụ nổi trên mặt đất”, ông Dung cho biết thêm.
Khu vực kho thuốc trừ sâu bị ô nhiễm nằm sát bên kênh N23B dẫn nước từ sông Vách Bắc về phục vụ cho 120 hộ dân, với 550 nhân khẩu của xóm Ngọc Hạ. Hàng chục năm nay, người dân nơi đây vẫn dùng nguồn nước này phục vụ cho sinh hoạt và ăn uống. Từ năm 2000, khi có phong trào xây bể chứa đựng nước mưa thì việc dùng nước sông để sinh hoạt của người dân mới được hạn chế.
Bà Thương, người dân xóm Ngọc Hạ cho biết: “Trước đây cứ khoảng 12 giờ đêm, bà con chúng tôi mỗi người cầm 2 chiếc thùng tôn nhỏ, ra đứng đầu làng nhìn lên phía UBND xem còn có người nữa không để múc nước ở mương về dùng, vì vào thời điểm đó nước mới sạch. Từ khi có phong trào làm bể chứa đựng nước mưa, chúng tôi không dùng nước đó để ăn uống nữa, nhưng việc giặt giũ, rửa rau, chúng tôi đều sử dụng nước mương chảy từ UBND xã xuống”.
Được biết, kho thuốc trừ sâu được xây dựng vào năm 1969, là nơi chứa các loại thuốc như DT66, Metin, Phunphatoc... Đây cũng là kho lúa giống và phân bón của hợp tác xã. Sau 22 năm tồn tại, đến năm 1991, hợp tác xã ngừng hoạt động và UBND xã Công Thành được chuyển về đây làm nơi giao dịch. Để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho cán bộ, công nhân viên chức, UBND xã đã nhiều lần cho đào giếng gần kho thuốc trừ sâu cũ nhưng nước vẫn có mùi thuốc trừ sâu bốc lên, không dùng được. Không còn cách nào khác, xã cho đào một giếng lọc cách khu vực kho thuốc trừ sâu khoảng 60 - 70 m, lấy nguồn nước từ sông qua kênh N23B vào lọc để uống. Tuy nhiên, mương dẫn nước từ sông vào giếng lọc vẫn đi qua kho thuốc trừ sâu. Đến năm 2000, xã xây dựng bể đựng nước mưa, từ đó giếng nước lọc bị lấp.
Trong 3 năm gần đây, xóm Ngọc Hạ đã có tới 15 người chết vì bị bệnh ung thư, đa số người chết đều rất trẻ, có độ tuổi từ 40 - 50. Người dân nơi đây đang hoang mang, lo lắng, nghi ngờ chính kho thuốc trừ sâu cũ là nguyên nhân gây nên căn bệnh ung thư. Vì nguồn nước họ dùng để sinh hoạt bấy lâu nay đều đi qua khu vực kho thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đoàn nào về kiểm định chất lượng an toàn nguồn nước.
Trước tình hình đó, nhiều người dân đành phải đánh cược tính mạng của mình khi hàng ngày phải sử dụng nguồn nước có nguy cơ nhiễm độc. Ông Tâm, Bí thư Chi bộ xóm Ngọc Hạ cho biết: “Trước đây, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, thuốc DT66 là loại thuốc được đưa về sử dụng nhiều nhất. Độc tố của thuốc này cực mạnh, đổ xuống ao cá, đến khi bắt cá lên nấu chín ăn mà vẫn còn mùi thuốc. Nên bây giờ, người dân trong làng ai cũng lo lắng không biết nguồn nước họ dùng lâu nay liệu có bị nhiễm độc hay không”.
Không chỉ người dân xóm Ngọc Hạ, mà số cán bộ, nhân viên từng làm việc ở UBND xã sau khi về hưu được 1 - 2 năm cũng đã đột ngột qua đời vì bệnh ung thư. Đến nay, đã có tới 7 cựu cán bộ của xã chết vì căn bệnh ung thư quái ác, người thì bị ung thư phổi, người thì bị ung thư gan, xương...
Theo số liệu từ Phòng Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn huyện Yên Thành có tất cả 84 điểm tồn lưu hóa chất, nhưng hiện tại mới chỉ có 3 điểm được xử lý. Ông Nguyễn Đức Thiện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Đối với trường hợp ở xã Công Thành, mặc dù đã nghe bà con phản ánh, nhưng để giải quyết thì rất khó vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện, chúng tôi đã báo cáo lên tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì”.
Giờ đây, hàng trăm hộ dân ở xóm Ngọc Hạ cùng với cán bộ, nhân viên của UBND xã Công Thành hàng ngày đang sống trong nỗi lo lắng, hoang mang khi số người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng. Để giải tỏa nỗi lo cho người dân xã Công Thành, đã đến lúc cần sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan.
.