Bộ Y tế vừa ban hành thông tư 30 mới nhằm siết chặt các quy định về khám, chữa bệnh từ thiện thay thế cho quy định ban hành từ 2002, trong đó điểm khác biệt cơ bản là có quy định chi tiết hơn về điều kiện hoạt động của các đoàn khám chữa bệnh nhân đạo.
Thông tư mới trên được ban hành sau vụ việc ba trẻ tử vong trong phẫu thuật từ thiện sứt môi, hở hàm ếch tại tỉnh Khánh Hòa vừa qua cho thấy công tác quản lý các tổ chức khám, chữa bệnh từ thiện còn "lỏng lẻo."
Thông tư 30 áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện khám chữa bệnh nhân đạo tại Việt Nam, trừ hoạt động do Bộ Quốc phòng và một số hoạt động do Chữ thập đỏ tổ chức.
Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo để được cấp giấy phép hoạt động phải đáp ứng đủ điều kiện về quy mô, cơ sở vật chất, tổ chức nhân sự, trang thiết bị y tế tương ứng với hình thức tổ chức quy định, có văn bản chứng minh có nguồn tài chính ổn định bảo đảm cho hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo. Biển hiệu của cơ sở phải ghi rõ là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
Nhận viên y tế kiểm tra sức khỏe cho trẻ bị khe hở môi |
Điểm khác biệt cơ bản so với thông tư cũ là thông tư mới có quy định rõ ràng, tách biệt về điều kiện hoạt động cho các đoàn khám, chữa bệnh nhân đạo và các cơ sở khám chữa bệnh có địa điểm cố định.
Đoàn khám chữa bệnh nhân đạo là một nhóm nhân viên y tế trong nước và ngoài nước do cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước tổ chức để khám chữa bệnh nhân đạo cho nhân dân.
Theo thông tư mới, nếu các đoàn này thực hiện khám chữa bệnh tại một cơ sở khám chữa bệnh thì cơ sở này phải có giấy phép theo quy định của luật Khám chữa bệnh. Trường hợp thực hiện tại địa điểm khác thì địa điểm này phải đáp ứng các điều kiện như có nơi tiếp đón, buồng khám bệnh của các chuyên khoa, điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn...
Về nhân sự, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của đoàn phải là bác sỹ, lương y có chứng chỉ hành nghề do Bộ hoặc Sở Y tế cấp. Các thành viên khác tham gia đoàn cũng phải có chứng chỉ hành nghề.
Trường hợp các cá nhân trong và ngoài nước thực hiện khám chữa bệnh nhân đạo cũng phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các điều kiện vật chất, nhân sự, trang thiết bị, thuốc, phạm vi hoạt động chuyên môn theo quy định như trên. Cá nhân này phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế, Sở Y tế cấp hoặc có chứng chỉ hành nghề được Chính phủ Việt Nam thừa nhận.
Thông tư mới cũng quy định rõ để được thực hiện hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo tại một cơ sở khám chữa bệnh thì đoàn hay cá nhân phải được cơ sở đó cũng như ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tại đó đồng ý bằng văn bản.
Ngoài ra, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đợt khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo; tổ chức, cá nhân thực hiện phải gửi báo cáo kết quả hoạt động đến Bộ Y tế hoặc Sở Y tế hoặc Bộ, ngành cấp phép tổ chức hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo này.
Thông tư này cũng quy định chi tiết về hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động cũng như hồ sơ, thủ tục cho phép cá nhân, đoàn trong nước và nước ngoài khám chữa bệnh nhân đạo.
Thông tư hướng dẫn về hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh từ thiện được Bộ Y tế sửa đổi cho phù hơp với luật Khám chữa bệnh ban hành năm 2009.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2014, chính thức thay thế cho Thông tư số 01/2002/TT-BYT ngày 6/2/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn về tổ chức và hoạt ođọng của các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo.