Gia đình xã hội

Nghị lực của cô bé đi thi đại học bằng nạng gỗ

08:30, 14/07/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Lết từng bước trên đôi nạng gỗ, em tự tin nở nụ cười mãn nguyện sau bài làm của mình. Đó là những gì chúng tôi ghi lại được về hình ảnh cô bé Nguyễn Thị Phúc (SN 1996), người dân tộc Thổ, xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 đợt 2 tại cụm thi Vinh vừa qua.
 
Phúc là con gái thứ hai của chị Nguyễn Thị Hằng. Năm nay chưa đầy 40 tuổi, người mẹ này đã trải qua nhiều nỗi đau trong cuộc đời nên chỉ mong rằng, khi sinh con ra, với cái tên này con mình sẽ được sống trong hạnh phúc trọn vẹn. Thế mà, trớ trêu thay, từ khi sinh ra Phúc đã bị khuyết tật đôi chân, không được bình thường như những đứa trẻ khác. “Gần 5 tuổi, em nó mới nhúc nhắc lết đi vài bước”, chị Hằng nhớ lại.
 
Lên 6 tuổi, Phúc được gia đình đưa đi khám. Các bác sĩ kết luận, đôi chân khuyết tật của Phúc là di chứng của chất độc da cam - dioxin. Mặc dù bệnh tật hành hạ, nhưng Phúc rất ham học hỏi. Thấy bạn bè đến trường, Phúc khóc đòi bố mẹ cho đi học. Thương con, gia đình thay phiên nhau bế em đến trường. Năm lên lớp 2, em mới lê được vài bước nhưng mỗi lần đi lại Phúc đau đớn, nước mắt lưng tròng. Để thuận lợi cho con đi lại, bố Phúc tự tay đóng một chiếc xe bằng gỗ ngày ngày đẩy xe đưa con tới trường.
 
Con đường đến trường của em mỗi lúc khó khăn hơn khi khoảng cách đi lại từ nhà đến trường ngày càng xa. Vào cấp 3, nhờ chiếc xe lăn từ thiện, em đã vượt gần 20 cây số đến trường. Dù những ngày mưa hay nắng, em vẫn kiên trì bám trường, bám lớp. Năm lớp 11, thương em, thầy cô Trường THPT Lê Lợi, Tân Kỳ đã nhường phòng cho em ở trọ trong trường. Thấy em chăm chỉ học hành, gia đình vẫn không nguôi hy vọng nên đã vay mượn anh em, làng xóm một khoản tiền đưa Phúc đi phẫu thuật chỉnh hình. Nhưng sau ca mổ, đôi chân em không khá hơn mà lại yếu đi. Cũng từ đấy, để tiện cho việc đi lại, Phúc chuyển từ xe lăn sang dùng nạng gỗ. Ngày qua ngày, em làm bạn với cây nạng gỗ. Được sự động viên của thầy cô, bạn bè, Phúc tự tin bước đi trên con đường mà mình đã chọn. Niềm tin ấy, được em gửi gắm qua những trang nhật ký mỗi lúc buồn. Niềm tin ấy là sự cố gắng chăm chỉ trong học tập với ước mơ được bước chân vào cổng Trường Đại học Y khoa Vinh.
 
Nguyễn Thị Phúc tự tin với bài làm của mình
Nguyễn Thị Phúc tự tin với bài làm của mình
 
Phúc chia sẻ: “Cuộc đời không cho em được lành lặn như các bạn cùng trang lứa. Chính điều này đã thôi thúc em theo đuổi một ước mơ đó là thi vào ngành Dược, Trường Đại học Y khoa Vinh. Em đã nghĩ rất nhiều, để giảm bớt đi lại thì làm một dược sĩ bán thuốc là phù hợp. Hơn nữa, em muốn chia sẻ với những ai có cùng hoàn cảnh như em, để từ đó cảm thông, thấu hiểu và trân trọng chúng em hơn...”.
 
Chia sẻ với bài làm của mình trong kỳ thi vừa qua, Phúc cho biết, sau khi làm bài, em có nhờ các bạn dò lại, so sánh kết quả và cảm thấy tự tin với bài thi của mình, bài đạt khoảng 60%, trong đó môn Hóa làm tốt hơn cả. Phúc cũng hy vọng sẽ đủ điểm đậu vào trường mình đã chọn. Dù vậy, nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, Phúc lại thương bố mẹ. “Đi thi ai cũng mong đậu nhưng em lại sợ là gánh nặng cho gia đình. Đi học chắc tốn kém lắm, ở quê em chỉ trông vào ruộng vườn mà thôi...”, Phúc thủ thỉ.
 
Dẫu còn đó những khó khăn, nhưng hãy tin vào phép mầu nhiệm giữa cuộc đời này. Khi còn đó những niềm tin và hy vọng thì chúng tôi tin em sẽ vượt qua. Con đường em đi đang còn thênh thang rộng mở, những người viết bài này thầm nguyện cầu cho ước mơ của em sớm trở thành hiện thực.
 

Phan Tuyết - Ngọc Anh

Các tin khác