Gia đình xã hội

Xử lý chất thải, phân bùn bể phốt: Vẫn chưa có giải pháp khai thông

10:38, 13/07/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Lâu nay, việc xử lý nguồn chất thải ra môi trường luôn được các cơ quan ban ngành quan tâm nhằm góp phần gìn giữ môi trường xanh - sạch - đẹp. Thế nhưng, trên địa bàn TP Vinh hiện nay, nguồn chất thải phân bùn bể phốt, hầm cầu vẫn chưa tìm được nơi xử lý triệt để trong thời gian qua. Điều này đã gây nguy hại không những cho môi trường sống mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường.

Tiện đâu đổ đó 
 
Thành phố Vinh hiện nay có gần 500 nghìn người, diện tích gần 105 km2 và là đô thị lớn ở khu vực Bắc Trung bộ. Với diện mạo của một đô thị loại I được Chính phủ công nhận vào năm 2008, TP Vinh đang được đầu tư nhiều hạng mục công trình xây dựng kiên cố nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, việc xử lý nguồn chất thải từ phân bùn bể phốt từ các cơ quan, đơn vị trường học, bệnh viên, khu chung cư… hiện nay đang bị thả nổi. 
 
Đi dọc các tuyến đường ở TP Vinh, chẳng khó khăn gì khi bắt gặp những tờ rơi, dòng chữ quảng cáo rao vặt in số điện thoại dưới dòng chữ “Thông tắc bể phốt, hầm cầu”. Trong vai là khách hàng muốn hút hầm cầu bể phốt nhà vệ sinh, chúng tôi đã liên hệ vào số điện thoại 0987515xxx thì được trao đổi với một người đàn ông tự xưng là chủ của thuê bao nói trên. Khi đặt vấn đề cần hút hầm cầu nhà vệ sinh đã lâu ngày bị tắc, chủ nhân của thuê bao này niềm nở và tư vấn rất kỹ lưỡng về giá cả cũng như quy trình thông tắc hầm cầu, hút bể phốt…
 
Tùy theo điều kiện, kết cấu nhà ở, giá cả cho mỗi lần thông hút bể phốt giao động từ 300 nghìn đồng đến gần 1 triệu đồng mỗi khối chất thải. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, sau khi hút chất thải, phân bùn bể phốt thì các anh đổ ở đâu thì chủ của số điện thoại nói trên trả lời rất vô tư là đổ ra ngoài đồng ruộng, sông, ao cá? Chủ của dịch vụ này cũng cho biết, hiện nay do điều kiện phát triển nhà cửa, khu chung cư dày đặc nên nhu cầu hút bể phốt cũng đôi lúc bị “nghẽn” vì làm không xuể. 

Cạnh sông Cửa Tiền, địa điểm trở thành nơi tập kết chất thải, phân bùn trái phép

Được biết, với chiêu thức in, dán số điện thoại ở nơi công cộng như vậy, hiện nay, trên địa bàn TP Vinh có tới hàng chục công ty, đơn vị tư nhân tham gia hút, thông tắc bể phốt, hầm cầu. Và, kéo theo đó, việc xả thải sau mỗi lần hút, thông tắc như vậy cũng đang bị thả nổi theo kiểu “tiện đâu, đổ đó”. Nhiều đơn vị khi được hỏi về việc xả thải đều trả lời một cách ấp úng là phải làm sao chọn thời điểm để “qua mặt” cơ quan chức năng nhằm tránh bị bắt, xử phạt.
 
Cũng trên địa bàn TP Vinh, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An cũng là một trong những đơn vị có dịch vụ thông, hút hầm cầu tự hoại xả thải một cách vô tội vạ ra môi trường mà chất thải chưa hề qua quy trình xử lý. Với hành vi xả thải vi phạm pháp luật, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường Công an tỉnh đã tiến hành bắt quả tang và xử lý nhiều lần. Cụ thể, ngày 16/6 vừa qua, phòng đã bắt quả tang xe ôtô BKS 37H-5951 của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An đang đổ hơn 4 m3 bùn thải hút từ bể phốt của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Nghệ An tại chân đê Tả Lam, thuộc địa bàn xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên.
 
Xử lý chất thải bể phốt hầm cầu: Bế tắc?
 
Qua việc bị cơ quan chức năng bắt quả tang hành vi vi phạm môi trường trong thời gian qua, ông Đặng Văn Bính, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An than vãn: “Chúng tôi là đơn vị hoạt động công ích có nhiệm vụ thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn thành phố. Với loại chất thải, phân bùn bể phốt thì hiện nay trên địa bàn thành phố Vinh có rất nhiều đơn vị cần thông, hút. Về rác thì hiện nay tỉnh đã có Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Tuy nhiên, về vấn đề xử lý phân bùn, bể phốt và rác thải công nghiệp, nguy hại thì đến nay tỉnh chưa tìm và chọn được địa điểm xây dựng. 
 
Đồng thời, vấn đề vốn để đầu tư cũng rất khó khăn nên từ trước đến nay, đơn vị chúng tôi xử lý phân bùn, bể phốt bằng cách đưa đi đổ ở... các ao cá, khu nuôi trồng thủy sản của người dân. Biết là sai, là vi phạm nhưng không thể làm khác được”(?). Ông Bính cũng cho biết thêm, vào cuối năm 2013, đơn vị cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải, phân bùn bể phốt. Hiện nay, các cơ quan chức năng cũng đang tiến hành hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để phê duyệt dự án. Tuy nhiên, để hoàn thiện hồ sơ dự án và tiến hành xây dựng đưa vào sử dụng, nhanh nhất cũng phải mất tới 2 năm nữa. Vừa qua, đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát một số địa điểm như xã Nghi Ân, Nghi Đức (Nghi Lộc) để tiến hành xây dựng bãi xử lý chất thải phân bùn bể phốt nhưng các địa phương này không đồng tình ủng hộ.
 
“Tại nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, tôi cũng có rất nhiều ý kiến về vấn đề quy hoạch bãi xử lý chất thải phân bùn bể phốt nhưng vẫn chưa có giải pháp thực thi. Tình trạng này khiến chúng tôi cũng rất lúng túng trong việc xử lý chất thải phân bùn bể phốt làm sao để không vi phạm pháp luật về môi trường” - Ông Đặng Văn Bính cho biết.
 
Nói về vấn đề này, Đại tá Trần Hữu Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Trong thời gian qua, đơn vị đã tiến hành xử lý rất nhiều trường hợp đổ chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Riêng đơn vị Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An, chúng tôi cũng đã bắt quả tang hành vi đổ chất thải bùn bể phốt ra môi trường và có văn bản xử phạt. Hành vi đổ chất thải ra môi trường chưa qua xử lý là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để tình trạng này không còn tồn tại, cơ quan chuyên trách về môi trường đô thị phải có phương án sớm quy hoạch, xây dựng bãi xử lý tập trung, tránh tình trạng đổ bừa bãi như hiện nay.

Ngọc Thái

Các tin khác