Gia đình xã hội

Khi nhân loại còn phải rơi lệ

14:55, 21/07/2014 (GMT+7)
Đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp định Geneva chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, thế giới chấn động vì sự kiện máy bay MH17 bị rơi khi bay qua vùng chiến sự tại Ukraine.
 
Nhìn xa hơn vào lịch sử, đúng 100 năm trước, tháng 7/1914, chiến tranh thế giới thứ nhất đã bùng nổ sau vụ ám sát Thái tử Áo-Hung. Vụ ám sát-“một sự kiện ngu ngốc” như cách nói trong lời tiên đoán trước đó của Thủ tướng Đức Bismarck, đồng thời báo trước một thế kỷ XX đẫm máu.
Năm 2013, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La và tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảnh báo cộng đồng quốc tế về những nguy cơ của chiến tranh, của bạo lực ở nhiều khu vực trên thế giới.
Năm 2013, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La và tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảnh báo cộng đồng quốc tế về những nguy cơ của chiến tranh, của bạo lực ở nhiều khu vực trên thế giới.
Dĩ nhiên, một cuộc thế chiến thảm khốc khó có thể xảy ra sau vụ MH17, nhưng các nhà phân tích cho rằng sự kiện này sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Nó cũng nhắc cả thế giới rằng, trái đất vẫn chưa bình yên. Dù thủ phạm là ai, thì rõ ràng những người thiệt mạng trên chuyến bay này cũng là nạn nhân của chiến tranh.
 
Đã phải trải qua những cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, người Việt Nam rất thấu hiểu sự tàn khốc của chiến tranh và giá trị của hòa bình. Hiệp định Geneve năm 1954 là thành quả của cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ gian khổ của người Việt Nam, khi khát vọng hòa bình của nước Việt Nam nghèo khó vừa giành được độc lập bị các thế lực đế quốc chà đạp. Và cũng phải thêm hai thập kỷ trường chinh với nhiều hy sinh, nhiều mất mát, nhiều đau thương hơn nữa, người Việt Nam mới thực sự được hưởng hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do.
 
Thế nhưng, bất chấp những bài học đắt giá, trong đó có cuộc chiến tranh ở Việt Nam, dường như ước mơ về một cuộc sống an toàn, hòa bình và phồn vinh của nhân loại vẫn còn ở rất xa phía trước. Nước mắt nhân loại vẫn rơi, như đại văn hào Dostoievsky từng viết trong tuyệt vọng, "cả trái đất này, từ vỏ đến ruột, đều thấm đẫm nước mắt". Cái chết của 298 con người trên chuyến bay qua vùng chiến sự, trong đó có 3 người Việt, càng khiến chúng ta nhớ lại những lời kêu gọi của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế mới đây.
 
Năm 2013, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La và tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảnh báo cộng đồng quốc tế về những nguy cơ của chiến tranh, của bạo lực ở nhiều khu vực trên thế giới, về “những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”.
 
Và tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa cảnh báo: Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông-mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng, trước những hành vi gây hấn cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
 
Có những ý kiến bi quan cho rằng, chiến tranh và bạo lực, chia cắt và xung đột là định mệnh không thể tránh khỏi của nhân loại. Những con số 7 liên quan đến chuyến bay MH17, theo như truyền thông đăng tải, dường như là một bằng chứng của thuyết “định mệnh” khủng khiếp đó.
 
Nhất định là không phải vậy. Nếu những tai họa mà nhân loại phải chịu đựng phần nhiều đến từ sự tham lam và mù quáng của con người, thì ngược lại, loài người cũng hoàn toàn có thể có một cuộc sống hạnh phúc, an lạc nếu biết yêu thương và chia sẻ. Vận mệnh của con người do chính con người quyết định.
 
Ngày nay, hai “cựu thù” từng quyết chiến một mất một còn ở Điện Biên Phủ, Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Mối quan hệ đó, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu, đã trở thành một biểu tượng của tinh thần dũng cảm khép lại và vượt qua những trang sử đau buồn của quá khứ để xây dựng lòng tin. Nó hùng hồn bác bỏ lời tiên tri nổi tiếng mang màu sắc định mệnh của văn hào Anh Rudyard Kipling rằng “Đông là Đông mà Tây là Tây, hai bên sẽ mãi mãi chẳng bao giờ gặp nhau”.
 
Cũng như vậy là mối quan hệ giữa Việt Nam với các “cựu thù” khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản…
 
Điểm lại những diễn đàn đa phương mà Việt Nam tham dự gần đây, có thể thấy hầu như tại diễn đàn nào, Việt Nam cũng kiên trì kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối chiến tranh, gìn giữ hòa bình.
 
“Bất kỳ hành động hiếu chiến nào đều phải bị lên án, ngăn chặn. Bất cứ nỗ lực ngăn ngừa xung đột nào đều phải được trân trọng, ủng hộ. Còn một biểu hiện dù mong manh của sự sống, người thầy thuốc cũng phải tận tâm cứu người. Còn một tín hiệu dù nhỏ nhoi của hòa bình chúng ta cũng phải tận sức để tránh chiến tranh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt phát biểu quan điểm đó của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
 
Không sợ chiến tranh, nhưng tận sức tránh chiến tranh, giữ gìn hòa bình, quan điểm nhất quán, trước sau như một đó của Việt Nam rõ ràng được thế giới ủng hộ, nhưng đáng tiếc là vẫn có những chủ thể trong quan hệ quốc tế muốn đi ngược lại quan điểm nhân văn, tiến bộ ấy vì những tính toán lợi ích đơn phương bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế.
 
Hiệp định Geneva năm 1954 không chỉ là thắng lợi của Việt Nam mà còn là thắng lợi chung của nhân loại yêu chuộng hòa bình. Ngày nay, khi mà "bàn tay chết chóc" của chiến tranh, của bạo lực vẫn đang rình rập, nhân loại vẫn rất cần chung tay để bảo vệ và giữ gìn hòa bình.
 
“Hãy đừng tiếp tay. Đừng làm ngơ. Hãy ngăn chặn bàn tay đó lại”, những lời kêu gọi của Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có ý nghĩa không chỉ với Việt Nam và không chỉ trong bối cảnh hiện nay, mà còn rất đáng để cả thế giới lưu tâm, suy ngẫm trong hành trình dài lâu tìm kiếm và xây dựng một “Shangri-La”- cõi thiên đường nơi hạ giới*.

Nguồn: chinhphu.vn

Các tin khác