Gia đình xã hội
Đi tìm hài cốt liệt sĩ trên đất nước Triệu Voi
15:33, 18/07/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Hơn 5 năm làm công tác quy tập hài cốt liệt sĩ trên nước bạn Lào, mỗi chuyến đi là một hành trình mới đầy gian nan, hiểm nguy đối với Trung tá Trần Văn Phương. Chiến trường Lào ác liệt năm xưa thế hệ cha anh, đồng đội của anh vào sinh ra tử giờ đây đã đổi thay, bị bao phủ bởi cây cỏ, địa hình đồi núi, sông suối hiểm trở nên rất khó khăn trong việc tìm kiếm. Mỗi chuyến đi kéo dài 6 tháng trời nhưng không phải lúc nào cũng tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Thế nhưng anh và đồng đội không cho phép mình được chùn bước.
“6 tháng không nhìn thấy con gái”
Trung tá Trần Văn Phương, Chính trị viên Đội quy tập mộ liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An nói vui với tôi như thế khi kể về những chuyến hành trình quy tập hài cốt liệt sĩ của mình. Bởi ở chốn rừng thiêng nước độc lấy đâu ra con gái. Như thông lệ, cứ vào mùa khô hàng năm, đơn vị của anh Phương hành quân sang Lào để bắt đầu công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Mỗi chuyến đi như vậy kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Khi tôi đến gặp là lúc các anh đang chuẩn bị cho cuộc hành trình của mình vào tháng 10 năm nay. Trong mùa khô 2013 - 2014, đội đã quy tập được 88 hài cốt liệt sĩ. Nhiệm vụ của Đội quy tập là tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam trên chiến trường Lào và xây dựng cơ sở giúp nước bạn Lào phát triển kinh tế.
Trung tá Trần Văn Phương cho biết: Chiến tranh đã qua lâu, các phần mộ không còn được nguyên trạng, hơn nữa cây cối, cỏ mọc um tùm nên công việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, anh em trong đơn vị từ Đảng ủy, chỉ huy đến cán bộ đều đồng lòng quyết tâm cao, phát huy hết tinh thần trách nhiệm, khả năng để làm việc có hiệu quả. Trước mỗi chuyến đi, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai các phương án và bố trí lực lượng phù hợp cho mỗi đợt. Hơn 5 năm công tác đã tôi luyện cho anh nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Làm nghề này chủ yếu kinh nghiệm truyền lại, người trước bày cho người sau chứ không có sách vở nào. Kinh nghiệm ở đây không đơn thuần trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ mà còn là kinh nghiệm vận động nhân dân. Chỉ khi nhân dân hiểu mới giúp đỡ mình.
Đội quy tập mộ liệt sĩ làm các thủ tục cất bốc hài cốt liệt sĩ |
Cứ bắt đầu vào mùa khô là các anh lại hành quân, mỗi người mang trên vai hành lý 20 kg để đi vào rừng. Có những chuyến đi các anh phải hành quân 3 ngày 3 đêm mới đến nơi. Để vào được địa điểm cần xác minh, các chiến sĩ phải băng qua những đèo núi cheo leo, hiểm trở, những con sông con suối, ghềnh đá trơn trượt rất nguy hiểm. Tuy nhiên, không phải lúc nào các thông tin về các phần mộ liệt sĩ cũng đúng. Đã không ít lần các anh trở về tay trắng vì thông tin của người biết mộ không chính xác. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi thời gian quá lâu nên khó xác định được vị trí, phần vì người biết là những người trước đây tham gia chiến tranh hiện đã già nên đã qua đời hoặc không nhớ…
Đưa liệt sĩ về đất mẹ mới trọn nghĩa tình
Trung tá Trần Văn Phương còn nhớ như in mùa khô năm 2011 - 2012, khi ấy đơn vị của anh hành quân vào khu vực bản Xẩm Thoong, huyện Xay Xẩm Bun, tỉnh Viên Chăn, nay là tỉnh Xay Xẩm Bun. Đơn vị của anh vào tìm kiếm hơn 1 tháng nhưng chưa có thông tin gì, chưa quy tập được hài cốt liệt sĩ nào. Anh em trong toàn đội ai nấy đều buồn, nóng ruột. Các anh đã chia lực lượng để ráo riết đi tìm nhưng vẫn không có một tia hy vọng nào. Thế rồi vào một buổi chiều tối, trong bản có đám cưới nên các anh tới chung vui với bà con dân bản. Tại đây, anh Phương gặp và trò chuyện với một cụ già trước đây từng là phỉ. Trong câu chuyện đã hé mở ra một nơi có chôn cất liệt sĩ. Khi anh Phương ngỏ ý muốn biết địa điểm cụ thể thì cụ già không tiết lộ. Tuy nhiên, bằng các kinh nghiệm thuyết phục vận động của mình và trước tình cảm chân thành của anh em trong đơn vị nên ông đã nhận lời và hứa sẽ đưa anh em đến tận nơi.
Đấy là chiều 27/2/2011, cụ già đưa đơn vị vào rừng, sau khi đi bộ 20 km đường rừng mọi người vào đến nơi cũng là lúc trời đã nhá nhem tối. Anh em dựng lán trại, ăn nghỉ để lấy sức mai làm việc. Sáng hôm sau, vị trí nằm bên suối Nậm Thoong được mọi người xác định chính là nghĩa trang trước đây. Trông thấy thế, anh em ai cũng mừng và xắn tay vào đào bới tìm kiếm. Hài cốt đầu tiên được tìm thấy là liệt sĩ Vũ Thanh Tuyền quê ở Hà Tây. Một điều trùng hợp là ngày liệt sĩ Tuyền hy sinh là ngày 28/2/1971 trùng với ngày Đội quy tập tìm thấy hài cốt của anh 28/2/2011. Và tại nghĩa trang này, đơn vị của anh đã tìm kiếm quy tập được 20 hài cốt liệt sĩ. Sau khi hoàn tất các thủ tục, bàn giao các liệt sĩ về địa phương, đội đã làm các thủ tục khen thưởng, tặng Huy chương cho cụ già này.
Mỗi chuyến đi dẫu nhiều hiểm nguy, vất vả nhưng đối với anh Phương và anh em trong toàn đơn vị đó là những kỷ niệm, những cảm xúc rất đặc biệt. Có đưa được liệt sĩ về với đất mẹ quê hương, các anh mới làm trọn nghĩa tình với đồng đội và cảm thấy thanh thản. Trong vô số những kỷ niệm ấy còn có những tình cảm nồng ấm với nước bạn Lào, những ngày ăn Tết cùng bà con dân bản bên điệu múa lăm vông, ánh lửa bập bùng và chén rượu nồng…
Huyền Thương