Gia đình xã hội

'Lạnh người' vào vùng voi - ngựa 'hóa' đá khổng lồ

14:55, 17/07/2014 (GMT+7)
Một quần thể tượng voi đá, ngựa đá, quân lính bằng đá xếp thành hai hàng dọc trong ngôi đền thờ ở giữa tỉnh lúa khiến người xem lần đầu “lạnh người”. Voi ngựa có kích thước khổng lồ, sống động như thật khiến cho ta cảm như ngựa voi hóa đá chứ không phải được tác từ đá mà thành.
 
Quần thể tượng voi đá, ngựa đá, lính hầu bằng đá khổng lồ tồn tại duy nhất tại xã Chương Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Nó tồn tại hữu hàng trăm năm trong sân thờ của ngôi đền thờ và lăng mộ Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh - một vị quan có công lớn dưới thời vua Lê - chúa Trịnh khoảng thế kỷ 18.
 
Khu tượng đá này bao gồm một đôi voi đá, một đôi ngựa đá nằm phủ phục, xen kẽ là ba cặp tượng quân hầu bằng đá mang theo gươm, đao... đứng hầu.
 
Ông Phạm Huy Bộc, cán bộ văn hóa xã Chương Dương bên quần thể tượng voi - ngựa đá khổng lồ
Ông Phạm Huy Bộc, cán bộ văn hóa xã Chương Dương bên quần thể tượng voi - ngựa đá khổng lồ
 
Những người lần đầu lạc bước đến đây không khỏi
Những người lần đầu lạc bước đến đây không khỏi "lạnh người" vì sự kỳ bí, tôn nghiêm
 
Ngay phía ngoài cổng của ngôi đền là một cặp tượng đá sắp hai bên; phía ngay ngoài đường bên kia chiếc hồ hình chữ nhật là một cặp tượng quân hầu bằng đá khác gác cổng. Lối bài trí, sắp đặt hệt như quần thể tượng đá tại lăng vua Minh Mạng trong Đại nội Huế.
 
Tổng số tượng đá cả người, cả ngựa, voi đá là 14 pho tượng khổng lồ, có kích cỡ to hơn người thường. Mỗi pho tượng là một khối đá liền khối, loại đá xanh chỉ có ở vùng núi đá Thanh Hóa - nơi nhà Hồ đã lấy để xây thành.
 
Ngoài ra, hai khối bia hình trụ có chân kê, có nắp đậy cũng bằng đá... là hai tấm bia hình trụ duy nhất Việt Nam: một tấm bia khắc bản tự do nhà bác học Lê Quý Đôn viết; một tấm bia khắc bản tự do cụ Nguyễn Nghiễm - thân sinh ra Đại thi hào Nguyễn Du viết.
 
Tất cả đều có nội dung ghi lại lịch sử, xuất thân, cuộc đời nhiều công đức của Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh cùng những thông tin về việc vua Lê - chúa Trịnh vinh hiển cho dòng họ Phạm Huy điền thổ, ngân khố... xây dựng đền thờ Thiều quận công.
 
Ông Phạm Huy Bộc, cán bộ văn hóa xã Chương Dương, hậu duệ của Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh, cho biết: theo gia phả của dòng họ Phạm Huy tại xã Chương Dương, Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh nguyên là quan văn, sau đó, đất nước rơi vào cảnh chiến tranh, ông được vua Lê, chúa Trịnh cắt cử đi dẹp loạn ở đất Đồng Mỏ, Lạng Sơn.
 
Quần thể voi - ngựa - tượng đá trong đền thờ Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh trên đất Thái Bình
Quần thể voi - ngựa - tượng đá trong đền thờ Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh trên đất Thái Bình
 
Địa danh Đồng Mỏ, Lạng Sơn cũng chính là do Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh đặt ra, vì nó liên quan với địa danh Cao Mỗ nơi thân sinh ra cụ Phạm Huy Đĩnh.
 
Kể từ đó đến nay, hơn 200 năm đã trôi qua, con cháu dòng họ Phạm Huy của xã Chương Dương không mảy may dám động đến khu tượng đá, các cụ xếp đặt như thế nào vẫn giữ nguyên như thế, dù nhiều pho tượng bệ kê bằng đá đã bị chìm xuống nền đất, hay bị mưa nắng làm cho nghiêng ngả.
 
Khu quần thể tượng người, voi, ngựa đá cùng hai tấm bia hình trụ là quần thể tượng đá duy nhất tồn tại ở Thái Bình và cũng là gần như duy nhất ở miền Bắc. Tượng đặt ngoài trời, trên nền sân đất ẩm thấp rêu phong, dưới bóng cây duối cổ thụ trùm phủ... tạo thành một không gian linh thiêng làm nao lòng du khách.
 

 

Nguồn: vef.vn

Các tin khác