Gia đình xã hội

Hoàng "khùng" chinh phục cồn Ma

09:55, 20/07/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Từng làm cán bộ phụ trách kỹ thuật chăm sóc tôm được một thời gian, Hoàng nhận thấy công việc tuy lương cao nhưng bấp bênh và khó tự chủ. Hơn nữa, năm vừa qua sản lượng tôm ở huyện Quỳnh Lưu chết 60 - 70%, anh không có lợi nhuận. Một lần về quê, thấy vùng đất cồn Ma rộng mênh mông nhưng hoang vu, cây dại mọc đầy rất hoang phí, vốn đi học nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, Hoàng trăn trở, ở nhiều nơi đất cằn cỗi, người ta còn làm giàu được, sao vùng đất đẹp thế này mình lại bỏ hoang?
 
Từ bỏ mức lương cán bộ kỹ thuật thủy sản hơn chục triệu đồng mỗi tháng và quyết tâm làm giàu trên chính quê hương, anh Hồ Phúc Hoàng (SN 1987) ở xóm Văn Đông, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu đã phủ xanh được “vùng đất chết”.
 
Nghĩ là làm, Hoàng bàn với vợ cùng mấy anh trai đứng ra làm thủ tục thuê vùng đất cồn Ma để làm trang trại. “Khi bỏ việc và có ý định cải tạo vùng đất hoang, gia đình, anh em đều phản đối kịch liệt và cho mình là khùng nặng. Người ta chọn công việc an nhàn, còn mình thì lại tự chuốc khổ vào thân”, Hoàng nhớ lại. Nhưng bản thân anh đã mạnh dạn làm, mạnh dạn đầu tư và quả quyết thực hiện được giấc mơ làm giàu ấy cho bằng được. Đầu tháng 12/2013, Hoàng thuê 3,5 ha đất cồn hoang rồi cùng vợ bắt đầu thu gom rác thải, cây dại.
 
Khi bắt tay vào làm, nơi này còn quá hoang vu và có nhiều mồ mả không ai dám vào. Khó khăn của Hoàng lúc ấy là đồng vốn, vì trong tay chỉ vỏn vẹn có 60 triệu đồng. Dọn dẹp xong, tháng 12/2013, Hoàng thuê máy ủi về san lấp mặt bằng. Chỉ riêng tiền công khai hoang đã ngốn của vợ chồng Hoàng 200 triệu đồng. Sau đó, Hoàng thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng, mượn người thân, bạn bè thêm 500 triệu đồng để đầu tư giống, trang thiết bị máy móc, giàn lưới để hiện thực hóa giấc mơ. 
 
Xong mặt bằng, Hoàng lập tức chọn giống gấc cao sản về trồng. Anh chọn gấc vì đây là giống cây chịu hạn tốt, dễ trồng, lại là cây dược liệu chữa được nhiều bệnh. Nhưng để xây dựng mô hình phát triển bền vững, nhất là ổn định đầu ra cho sản phẩm, anh đã đến đặt vấn đề trực tiếp với Công ty Cổ phần Hòa Việt, một công ty chế biến dược liệu. Với kế hoạch cụ thể, sự đầu tư mạnh dạn của mình, anh được công ty đồng ý ký hợp đồng 5 năm.
Anh Hồ Phúc Hoàng bên mô hình kinh tế của mình
Anh Hồ Phúc Hoàng bên mô hình kinh tế của mình
Trong đó, công ty sẽ cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm. Anh Hoàng cho biết: Gấc là cây trồng mà hiện nay thị trường đang rất cần. Ngoài quả thì thân cây cũng được tận dụng để chế biến sản xuất tinh dầu. Là loại cây dài ngày nên chỉ cần đầu tư một lần là người trồng có thể thu hoạch từ 15 - 20 năm. Nắm bắt được đặc tính sinh học của cây gấc chỉ xanh tốt và cho thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 10 nên Hoàng đã trồng xen canh thêm nhiều cây ngắn ngày khác để lấy ngắn nuôi dài. Hoàng cho biết, đất ở đây tuy toàn là cát nhưng nguồn nước ngầm ổn định, trồng cây được chăm sóc tốt sẽ phát triển rất nhanh. 
 
Tuy trang trại của Hoàng mới làm được nửa năm nhưng đã bắt đầu cho thu hoạch và có những dấu hiệu rất khả quan. Trên đường xuống bãi tắm Quỳnh Bảng, nhìn sang phải người ta dễ dàng nhận thấy trang trại của Hoàng hiện hữu bởi những cột chống cho cây gấc bằng bê tông. Cồn Ma hoang vu, đầy cây dại ngày nào giờ đã được phủ một màu xanh của dưa hấu, dưa leo. 3.500 gốc gấc cao sản đã phát triển xanh tốt và bắt đầu leo giàn. Đặc biệt, Hoàng đã đầu tư hệ thống dàn máy phun sương trị giá 30 triệu đồng nhập từ Đài Loan cho trang trại của mình.
 
Theo Hoàng, đến nay hệ thống phun hiện đại này ở Việt Nam chưa ai sản xuất được vì đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ rất cao. Hoàng cho hay: “Mình xác định đầu tư vào sản xuất nông nghiệp không lo sợ lỗ. Và đây là con đường ngắn nhất để mình có thể làm giàu. Riêng vụ dưa hấu vừa rồi mình cũng thu được vài chục triệu đồng, nhờ số tiền đó mình có thể trả tiền công cho người làm và tiền điện bơm nước. Trang trại của mình ở trên nền đất cao nhất của xã, do vậy khi mưa lũ không lo bị ngập”.
 
Trong thời gian tới, Hoàng dự tính trồng thêm cây dược liệu. Tương lai không xa, Hoàng còn ấp ủ xây dựng hệ thống nuôi cá sinh học theo công nghệ cao. Anh đã thử nghiệm mô hình này nhưng vì thiếu vốn nên chưa thể hiện thực hóa ý tưởng. 

Duy Ngợi

Các tin khác