Gia đình xã hội
Đường về không có chông gai
07:58, 30/07/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, lực lượng Công an Nghệ An đã phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể tăng cường công tác hỗ trợ, giúp đỡ những người lầm lỗi trở về tái hòa nhập cộng đồng bằng nhiều cách làm hay, mang hiệu quả cao. Con đường trở về của những người lầm lỗi đã không còn có những chông gai mà có những cánh tay nâng đỡ, những vòng tay bao bọc của gia đình và xã hội.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 50 vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, trên 1.000 vụ án xâm phạm TTXH, 300 vụ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và môi trường… Các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử khoảng 2.500 vụ với trên 4.500 đối tượng. Bình quân mỗi năm có khoảng 2.000 người chấp hành xong án phạt tù và đặc xá trở về địa phương. Hiện toàn tỉnh đang có hơn 11.000 người thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng. Những con số đó cho thấy áp lực về công tác tái hòa nhập cộng đồng của các lực lượng, chính quyền và cơ quan đoàn thể, gia đình.
Trước đây, khi công tác tái hòa nhập cộng đồng chưa được coi trọng, những người lầm lỗi chấp hành xong án phạt tù thường bị xã hội xa lánh, không ai quan tâm nên những người ra tù cảm giác như là người bỏ đi, cô độc trong xã hội nên tiếp tục phạm sai lầm. Chính vì thế, tỉ lệ tái phạm trước đây rất cao, bởi những người lầm lỗi trở về không biết đi đâu, làm gì nên quay lại con đường phạm tội.
Đồng chí Đại tá Lữ Văn Tường, Phó Giám Đốc Công an tỉnh trao thưởng cho các tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng |
Trước thực trạng đó, Công an Nghệ An đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về thi hành án hình sự trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, trong đó có các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng. Công an Nghệ An cũng đã chủ động ban hành nhiều kế hoạch, công văn chỉ đạo công tác tái hòa nhập cộng đồng như điều tra khảo sát tình hình người chấp hành xong án phạt tù, phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các đơn vị Công an trong thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù…
Trong các công tác hỗ trợ người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng thì dư luận xã hội, thái độ của người dân với người chấp hành xong án phạt tù rất quan trọng. Để thay đổi nhận thức của người dân, để chuyển biến từ tâm lý ghét bỏ, xa lánh sang giúp đỡ, hỗ trợ, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động. Hàng năm đã tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện của tuyên truyền viên tại khu dân cư, thường xuyên phát sóng trên đài phát thanh cấp xã chuyên đề “Giúp đỡ người lầm lỗi tại khu dân cư”… Qua đó dần thay đổi nhận thức của người dân. Từ sự thay đổi đó, lực lượng Công an đã tham mưu cho chính quyền cùng cấp xây dựng các mô hình, điển hình về tái hòa nhập cộng đồng. Những mô hình như: “Xóa bỏ mặc cảm, làm nở nụ cười, giúp người lầm lỗi”, “Câu lạc bộ giúp bạn”, “Câu lại bộ vòng tay bạn bè”… đã tập hợp được những người lầm lỗi, tạo cho họ môi trường hoạt động lành mạnh. Các mô hình thực sự là điểm tựa của những người lầm lỗi tại khu dân cư. Ra tù họ được những người bạn, người thân chung tay giúp sức từ định hướng tư tưởng, hỗ trợ kinh phí, giúp công, giúp sức giúp họ sớm ổn định tâm lý, hăng say lao động để tránh xa con đường lầm lỗi, sống làm người có ích.
Trước đó, khi đang cải tạo tại nơi giam giữ, những người chấp hành án phạt tù cũng đã được cán bộ chiến sĩ trại giam tạo điều kiện để ra tù tái hòa nhập cộng đồng, như giáo dục văn hóa, dạy nghề, phổ biến kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Đó là hành trang cơ bản của những người lầm lỗi để họ tái hòa nhập cộng đồng. Sau khi ra tù, những người lầm lỗi tiếp tục được lực lượng Công an hướng dẫn trở về địa phương và phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để giúp đỡ bằng những phương pháp phù hợp nhất. Đối với những đối tượng không chịu hướng thiện, lực lượng Công an đã phối hợp với chính quyền địa phương, chi bộ khối xóm tổ chức kiểm điểm, giáo dục trên 2.000 đối tượng.
Trong thời gian qua, đã có trên 7.000 người tái hòa nhập cộng đồng thành công, tỉ lệ tái phạm chỉ còn 4%, tỉ lệ người ra tù có việc làm ổn định chiếm trên 72%. Trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đã có hàng trăm người là điển hình tiên tiến khi vươn lên làm giàu, hỗ trợ người khác trong cuộc sống.
Trên con đường trở về, những người lầm lỗi không còn va vấp, vướng mắc những chông gai, bởi bên cạnh họ lúc nào cũng có những bàn tay trợ giúp của các chiến sĩ Công an, các đoàn viên, hội phụ nữ, gia đình, hàng xóm… Sự giúp sức ấy đã làm họ tin tưởng hơn vào cuộc sống, vào tương lai để vươn lên làm người có ích.
Ngọc Hùng