Gia đình xã hội
Vẹn nguyên ký ức thời 'hoa lửa'
16:08, 28/07/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chiến tranh đã đi qua từ hơn 30 năm nay, đất nước ta đang đổi mới, phát triển từng ngày, thế nhưng, đâu đó vẫn còn những người lính một thời “hoa lửa”, họ trở về cuộc sống đời thường với bao tâm sự, nỗi niềm khi tuổi thanh xuân đã vội qua...
Chúng tôi muốn nói đến một cựu thanh niên xung phong (TNXP) - bà Đinh Thị Liễu (SN 1944) hiện trú tại xóm 6, xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu. Bà Liễu đã có những năm tháng gắn bó với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhưng khi trở về đời thường, bà lại phải sống cô quạnh một mình, lấy chốn chùa chiền để gửi gắm những tâm tư…
Vào năm 1965, thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà Liễu cũng như nhiều chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi trong xã Diễn Thái hăng hái gia nhập lực lượng TNXP, tham gia phục vụ kháng chiến chống Mỹ tại các huyện: Đô Lương, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu… Bà Liễu được biên chế về Đại đội 304 (đơn vị làm giao thông) phụ trách công tác quản lý, hậu cần. Sau 3 năm tham gia TNXP, bà Liễu được cử đi học lớp sơ cấp quản lý, rồi nhận nhiệm vụ mới ở Đảng ủy Ty Giao thông. Chiến tranh kết thúc, bà về làm việc tại đơn vị Z167, Bộ Quốc phòng, đóng ở Đồi Si (xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương) cho đến ngày nghỉ hưu theo chế độ.
Bà Liễu vẫn thường đạp xe về thăm Khu di tích Truông Bồn mỗi dịp 27/7 |
Năm tháng dần trôi qua, giờ đây mái tóc trên đầu đã bạc theo thời gian nhưng bà vẫn một mình cô quạnh trong căn nhà nhỏ, bên cạnh nhà người cháu họ. Thế nhưng, khi nói về ký ức những ngày tháng gian khổ, thấm máu của lực lượng TNXP, bà Liễu vẫn bồi hồi xúc động, những ký ức vẫn còn vẹn nguyên. Bà tâm sự: Ngày ấy bom đạn ác liệt lắm, ban ngày cũng như ban đêm, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Làm công tác hậu cần nên tôi phải đi lại liên tục giữa các huyện trong tỉnh, để nhận lương thực về cho đơn vị và cũng đã vài phen suýt chết vì bom đạn.
Trong những ký ức đau thương của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, bà Liễu nhớ nhất ngày hy sinh của đồng đội ở dốc Truông Bồn. Một loạt bom chát chúa vào buổi sáng định mệnh ngày 31/10/1968 đã cướp đi sự sống của 13 TNXP, chỉ 6 người trong số họ tìm thấy thi thể, nhưng cũng không còn nguyên vẹn. Bà Liễu nhớ lại: Hôm đó, tôi đang vận chuyển lương thực từ Vinh về đơn vị, khi đến dốc Kỳ Lợn, thuộc địa phận xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, thì thấy bên kia dốc, trời đất tối tăm, mịt mù. Kinh nghiệm cho thấy, có thể đơn vị đã bị trúng bom giặc, tôi liền gửi xe hàng vào nhà dân rồi chạy về hướng ấy. Thật đau đớn, tôi lao vào cùng những anh em chiến sĩ đang vừa gào khóc, vừa đào bới đất đai tìm kiếm thi thể của đồng đội vừa hy sinh.
Được sống sót trở về sau cuộc chiến, dẫu cuộc sống riêng tư không trọn vẹn nhưng bà cũng cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác. Bà Liễu vẫn tin rằng, những đồng đội đã hy sinh luôn phù hộ cho bà ở cuộc sống hiện tại. Trong những giấc mơ, bà vẫn thấy họ về thăm và động viên bà thường xuyên.
Giờ đây, căn bệnh tuổi già và những gian khổ năm xưa đã làm cho tấm lưng từng cõng hàng chục kg quân lương băng qua lửa đạn năm nào đã còng sấp xuống. Những khi trái gió trở trời, toàn thân lại đau nhức tê buốt, tưởng chừng như không thể đi lại được. Thế nhưng, đều đặn hàng tháng cứ vào ngày sóc, ngày vọng (ngày mùng 1, ngày rằm - PV), bà lại lên chùa niệm Phật, cầu phúc cầu an, cầu cho linh hồn đồng đội được siêu thoát.
Từ lâu, người dân xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu đã quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” trong bộ trang phục màu cỏ úa, đầu đội mũ tai bèo, chung thủy với chiếc xe đạp cà tàng vượt trên 20 km về Truông Bồn thắp nhang cho đồng đội mỗi dịp đến ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Trong tâm niệm, bà luôn cầu mong cho linh hồn đồng đội được siêu thoát ở cõi vĩnh hằng.
Đức Thắng