Gia đình xã hội

Cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc trong mùa mưa lũ

09:07, 27/07/2014 (GMT+7)

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc về việc đảm bảo cung ứng thuốc trong mùa mưa lũ.

Theo đó, để cung ứng đủ thuốc cho công tác phòng, chống dịch bệnh có thể phát sinh trong mùa mưa lũ như: đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tiêu chảy, bệnh ngoài da... Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 2 (Rammasun) chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm đóng trên địa bàn tỉnh có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị, đặc biệt đảm bảo cơ số thuốc phục vụ bão lụt và hóa chất khử trùng, diệt khuẩn đối với các tỉnh có cơn bão đi qua, và các thuốc phụ vụ công tác phòng chống dịch bệnh theo phác đồ của Bộ Y tế; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: suckhoedoisong.vn

Cùng với đó, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Cục Quản lý Dược sẽ xem xét giải quyết ngay các dự trù, đơn hàng nhập khẩu thuốc của các đơn vị để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo ngay về Cục Quản lý Dược để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.

Liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cho người dân khi bão lũ xảy ra, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần có kế hoạch chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đống chai, các loại vitamin, các hoá chất sát khuẩn của ngành y tế. Về phía cơ quan y tế chủ động dự trữ hoá chất, phương tiện, nhân lực sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm, không để lan rộng.

Trong khi bão, lũ xảy ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để chế biến thực phẩm. Thực hiện ăn chín, uống chín. Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hoá chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế. Chủ động bổ sung vitamin vào khẩu phần ăn hàng ngày.

Về phía Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo để phòng chống dịch bệnh sau bão lụt, người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như Cloramin B hoặc viên Aquatabs hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác