Gia đình xã hội
Vụ bạo hành trẻ tự kỷ: Có dấu hiệu phạm tội hình sự
09:23, 25/07/2014 (GMT+7)
Hành vi của “bảo mẫu” bạo hành trẻ tự kỷ tại cơ sở Anh Vương (quận Tân Bình, TPHCM) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích”.
Trước những hình ảnh, thông tin báo chí phản ánh về vụ bảo mẫu đánh đập, ngược đãi trẻ tự kỷ tại cơ sở Anh Vương, nhiều luật sư đã bày tỏ sự bất bình.
Ảnh cắt từ clip trên Báo Thanh Niên |
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu- Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, việc các cô giáo trường tiểu học Anh Vương có hành vi đánh đập, hành hạ gây tổn thương cho học trò của mình là hết sức tàn nhẫn, không chỉ vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức nhà giáo, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Đã có rất nhiều bảo mẫu phải đi tù vì có hành vi ngược đãi trẻ em.
Luật sư Hậu cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình là trẻ em thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “hành hạ người khác” quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, mức hình phạt đối với người phạm tội trong trường hợp này là phạt tù từ 1-3 năm.
“Theo điều luật, tội phạm hoàn thành khi có 2 dấu hiệu là “các cháu bị đối xử tàn ác” và “các cháu bị lệ thuộc vào các giáo viên, bảo mẫu”. Từ những chứng cứ mà báo chí phản ánh có thể nhận thấy dấu hiệu phạm tội của bảo mẫu tại cơ sở Anh Vương là tương đối rõ ràng”, luật sư Hậu phân tích.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Minh Hùng-Đoàn luật sư TPHCM cũng cho rằng, hành vi bạo lực đánh đập, hù dọa với bất kỳ đối tượng trẻ em nào, dù ở trong gia đình, nhà trường hay ngoài xã hội đều không thể chấp nhận. Những trường hợp này cần phải có biện pháp xử lý thật nặng, công khai để răn đe những người có hành vi tương tự nhưng chưa bị phát hiện.
Nhấn mạnh từ góc độ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, luật sư Hùng cho biết, theo luật nói trên, thì hành vi của những bảo mẫu tại cơ sở Anh Vương được nhận định là hành vi hành hạ, ngược đãi và làm nhục trẻ em. Khoản 2, điều 6 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo pháp luật.
Theo đó, nếu kết quả giám định của cơ quan chức năng cho thấy trẻ bị thương tích là do giáo viên, bảo mẫu đánh đập, hành hạ thì đối tượng “bảo mẫu” này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự (mà không cần chứng minh tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên) do có tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với trẻ em.
Trong trường hợp này, tùy theo mức độ phạm tội, người vi phạm có thể bị phạt tù từ mức thấp nhất là 6 tháng đến mức cao nhất là 15 năm, luật sư Hùng cho biết.
Để các vụ việc tương tự không tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, giới luật sư cho rằng, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.
Đối với hoạt động của các trường mầm non và các cơ sở trông giữ trẻ, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời vận động người dân tích cực tham gia vào việc phát hiện, tố cáo những trường hợp vi phạm để có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời…
Trước đó, theo phản ánh từ một số cơ quan báo chí, tại cơ sở Anh Vương xảy ra vụ bạo hành trẻ tự kỷ. Cụ thể, một bảo mẫu tại cơ sở này bị phát hiện đã liên tục dùng khúc gỗ, tay, móc sắt... đánh học sinh vì các cháu không chịu nghe lời.
Sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc, các ngành chức năng TPHCM đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm tại cơ sở này như: Hoạt động trá hình, không phép, nhiều bảo mẫu của trường không có bằng cấp chuyên môn, cơ sở vật chất cho việc dạy học không đảm bảo…
Vụ việc hiện đang được cơ quan Công an quận Tân Bình tiếp tục điều tra, làm rõ.
Nguồn: Chinhphu.vn