Ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản sẽ được thông qua vào đầu tháng 7 này.
Mục đích của Nghị định này nhằm hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động đầu tư nâng cấp, đóng mới các phương tiện đánh bắt cũng như đội ngũ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, phục vụ khai thác đánh bắt xa bờ hiệu quả hơn.
“Những góp ý, kiến nghị của ngư dân, các hội đoàn thể và địa phương tại hội nghị lấy ý kiến về hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, công suất lớn tại Đà Nẵng (do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì) hồi trung tuần tháng 6 đều được tiếp thu và thể hiện trong dự thảo”, ông Nguyễn Huy Điền nói.
Tại hội nghị này, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, đại diện Hội Nghề cá, lãnh đạo các doanh nghiệp đóng, sửa chữa tàu, các ngư dân đều khẳng định chủ trương đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá và đội tàu đánh bắt xa bờ là đúng đắn, đáp ứng được nguyện vọng của ngư dân.
Các chuyên gia về nghề cá cho biết, thị hiếu của ngư dân thì đa dạng, cùng một khổ tàu, có người thích thiết kế hầm ướp cá to, có người thì thích kích thước vừa phải, có người thích làm tàu sắt vừa để đánh cá vừa có luôn cả chức năng dịch vụ hậu cần (cung cấp xăng, nước ngọt, vận chuyển thủy sản vào đất liền…). Cũng dễ hiểu khi thiết kế tàu phù hợp với thị hiếu ngư dân tức là phù hợp với phương thức đánh bắt truyền thống của ngư dân, tránh xảy ra việc tàu sắt như “ngôi nhà lạ” giữa biển của bà con.
Ảnh minh họa |
Một ngư dân ở tỉnh Bình Định trong hội nghị góp ý dự thảo Nghị định trên tại Đà Nẵng, cho biết hiện ông đang làm chủ 4 đội tàu, mỗi đội có 4 tàu, trong đó có 1 tàu vừa làm chức năng dịch vụ hậu cần, vừa làm chức năng đánh bắt cá. Tàu dịch vụ này ngoài việc đánh cá còn thu gom thủy sản từ các tàu còn lại ở trong đội để chuyển về đất liền bán ngay, bảo đảm chất lượng tốt nhất.
Ngư dân này cho rằng cách triển khai tàu dịch vụ hậu cần “kiêm” luôn cả công việc đánh bắt sẽ tận dụng được thời gian đi biển và phù hợp với cách tổ chức sản xuất của tổ đi biển nên Nhà nước cũng phải có cách hỗ trợ loại tàu này, thay vì phân định rõ hỗ trợ tàu dịch vụ hậu cần và tàu đánh cá như dự thảo Nghị định.
Hoán cải tàu cá bằng việc nâng công suất máy ban đầu không có trong dự thảo Nghị định, nhưng từ kiến nghị của ngư dân và của lãnh đạo chính quyền các tỉnh Phú Yên, Bình Định… Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý bổ sung vào dự thảo Nghị định. Thực tế, nhu cầu nâng công suất máy của ngư dân là không nhỏ, thiết thực và đảm bảo khai thác tối ưu tài sản của ngư dân. Tất nhiên, việc hỗ trợ ngư dân nâng công suất máy chỉ áp dụng với trường hợp trên 380 CV, để đảm bảo yêu cầu đánh bắt cá xa bờ.
Ở góc độ ứng dụng khoa học công nghệ, ông Lê Ngọc Phước, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng dự thảo Nghị định ưu tiên hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt, vỏ gỗ bọc sắt và vỏ gỗ (với tàu vỏ gỗ có công suất trên 380 CV) là chưa đầy đủ. Tàu gỗ bọc composite cũng cần phải là một tiêu chí hỗ trợ trong Nghị định khi xét tới tính năng hiệu quả của loại chất liệu này.
Để bám sát thực tế nhu cầu đóng tàu của ngư dân, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu ngư dân (người đi vay tiền để đóng tàu) phải được lựa chọn cơ sở đóng tàu, được tham gia vào thiết kế, và giám sát quá trình đóng tàu. Yêu cầu này đặt ra được coi là giải pháp quan trọng để khắc phục chính sách phát triển đánh bắt xa bờ trước đây đã không thành công khi không bám sát nhu cầu của ngư dân.
“Chính phủ đã và sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân và sản xuất ngư nghiệp, và Nghị định này đã tạo ra mục đích rõ ràng hơn trong việc hỗ trợ bà con yên tâm bám biển, làm giàu từ biển và kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Được biết trong tuần này, Thường trực Chính phủ sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định này trước khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Ông Nguyễn Huy Điền cho biết Nghị định về một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản lần này là văn bản pháp luật có thời gian xây dựng nhanh nhất (40 ngày) để đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.
.