(Congannghean.vn)-Nhiều năm trở lại đây, hàng nghìn người dân ở hai xóm Sơn Tiến và Cốc Mẵm, xã Thọ Hợp của huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) luôn canh cánh nỗi lo trước mùa mưa lũ.
Chiếc cầu tạm làm bằng tre nứa do dân bản dựng lên để bắc qua sông Dinh là con đường đi lại duy nhất của 126 hộ dân với hơn 490 nhân khẩu ở xóm Cốc Mẵm, xã Thọ Hợp. Trên những chiếc cọc chống sơ sài là những tấm nền mặt cầu được đan ghép bằng tre, mét, cứ mỗi khi có người, phương tiện đi qua, chiếc cầu lại rung lên bần bật. Vẫn biết là mất an toàn, nguy hiểm, song không còn cách nào khác, những người dân nơi đây vẫn phải “sống chết” với chiếc cầu tạm này. Ông Trương Văn Sân, xóm phó xóm Cốc Mẵm, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết: “Qua sông về mùa lũ rất vất vả. Năm 2013, anh Trương Văn Kiên đi qua cầu này rơi xuống, bị gãy xương cổ nằm viện ba tháng đến bây giờ vẫn chưa làm việc được. Ngoài ra còn có một số bà con bị rơi xuống cầu. Xóm chúng tôi rất khó khăn nên mong các cấp giúp đỡ, tạo điều kiện xây cầu cho các cháu đi học và bà con được giao lưu với người dân ở các địa phương khác”.
Đó cũng là thực trạng chung đã và đang diễn ra hàng ngày ở xóm Sơn Tiến cùng xã Thọ Hợp. Chiếc cầu tre này là con đường đi chính của 119 hộ với 481 nhân khẩu thuộc xóm Sơn Tiến nói riêng và nhiều người dân của hai xã Châu Đình và Minh Hợp nói chung. Ông Trương Công Đệm, xóm Sơn Tiến, xã Thọ Họp, huyện Quỳ Hợp trăn trở: “Mùa mưa, mùa lụt, các cháu đi học rất vất vả, có khi hàng tháng, phụ huynh phải làm bè đưa con cháu sang sông. Có người không có bè phải cõng con đi, rất nguy hiểm cho tính mạng người dân. Biết là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác, cũng phải khắc phục để cho các cháu đi học”.
Người dân xóm Cốc Mẵm vẫn phải qua cầu tre không đảm bảo an toàn |
Trên địa bàn xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp hiện còn có 2 cầu tre, cầu tạm tại 2 xóm là Sơn Tiến và Cốc Mẵm. Được biết, 2 xóm Sơn Tiến và Cốc Mẵm là xóm 135, có 100% đồng bào dân tộc Thổ, gần 100 em học sinh các cấp đang theo học. Hết năm này qua năm khác, cứ sau mỗi trận lũ lụt, nước từ thượng nguồn đổ về làm hai chiếc cầu này bị hư hỏng nặng, gây cản trở, ách tắc giao thông. Và thay vào đó là cầu tạm dân sinh do người dân cùng nhau góp tre, mét để dựng nên.
Trên địa bàn huyện hiện còn hơn 10 cầu tre, cầu tạm tự phát do nhân dân làm. Những cây cầu này thường rất yếu, không đảm bảo ATGT. Trước thực trạng đó, UBND huyện đã có nhiều biện pháp để khắc phục, nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời. Ông Trương Hải Nam, Phó phòng Công thương huyện Quỳ Hợp cho biết: “UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo không cho các xã, các xóm, các tổ chức, cá nhân làm cầu tre không đảm bảo an toàn giao thông. UBND huyện yêu cầu các xã xây dựng các bến đò trình các cấp chính quyền cấp phép cho nhân dân đi lại an toàn. Nếu trong quá trình xây dựng bến đò khó khăn thì huyện yêu cầu các xã nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường”.
Lại một mùa mưa lũ đang đến gần, mong rằng những kiến nghị, đề xuất của nhân dân ở đây sớm được xem xét để các em học sinh luôn hân hoan niềm vui đến trường và người dân đi lại được thuận tiện hơn, không còn cảnh “sống chung với lũ”.
.