Các chương trình, chính sách giảm nghèo ngày càng mở rộng về quy mô và đối tượng hưởng thụ, nhưng nhiều chính sách vẫn còn kém hiệu quả do chồng chéo tản mạn về đối tượng thụ hưởng và thời gian hỗ trợ. Đây là thực tế được các nghiên cứu, các cuộc hội thảo về giảm nghèo gần đây khẳng định.
Hệ thống chính sách giảm nghèo thực sự “đồ sộ”
Hệ thống chính sách giảm nghèo của Việt Nam được đánh giá là cơ bản, bao trùm mọi vấn đề của đời sống người nghèo, điều này đã tạo cơ chế để công tác giảm nghèo phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, các nghiên cứu, các cuộc hội thảo về giảm nghèo gần đây đã nhấn mạnh tới sự chồng chéo trong hệ thống chính sách giảm nghèo.
Kết quả tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật gần đây của Oxfam cho thấy: Tính đến tháng 3/2014, các cơ quan từ cấp bộ trở lên đã ban hành 501 văn bản về giảm nghèo, trong đó có 188 văn bản liên quan trực tiếp đến giảm nghèo; 313 văn bản liên quan gián tiếp đến giảm nghèo.
Trong số 188 văn bản liên quan trực tiếp đến giảm nghèo có thể phân loại theo 21 nhóm lĩnh vực hỗ trợ, nhiều nhất là các chính sách điều hành chung (43 văn bản), hỗ trợ về điều kiện sống (42 văn bản), tín dụng (37 văn bản), cơ sở hạ tầng (32 văn bản), đào tạo/bố trí cán bộ/nâng cao năng lực giảm nghèo (28 văn bản), dạy nghề/tạo việc làm/xuất khẩu lao động (28 văn bản), giáo dục (30 văn bản). Ít nhất là về tổ nhóm/HTX (4 văn bản), dân tộc rất ít người (6 văn bản) và người nhập cư (1 văn bản). Văn bản nhiều nhưng sự liên kết chưa rõ ràng. Ngoài ra, có quá nhiều chính sách riêng biệt và đặc thù tạo nên sự chồng chéo và tản mạn của chính sách giảm nghèo.
Nói về hệ thống chính sách giảm nghèo hiện nay, ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo thừa nhận: “Đến nay, tôi cũng không thể nói được chúng ta có bao nhiêu văn bản về giảm nghèo”. Mặt khác, ông chỉ ra thực tế là hiện nay chúng ta đang lo cho người nghèo nhiều quá, dẫn đến người nghèo thiếu gì là cho người nghèo cái đó. “Nhiều chính sách cho không, nhiều chính sách không có điều kiện dẫn đến người nghèo không muốn thoát nghèo” - ông Thi nói.
Còn ông Đinh Ngọc Quý - thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay, qua giám sát tối cao về chính sách pháp luật giảm nghèo để báo cáo tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội tới đây thì thấy “chính sách giảm nghèo thực sự đồ sộ”. Theo ông, mặc dù không có luật riêng về giảm nghèo, nhưng trong khoảng hơn 20 văn bản pháp luật hiện nay thì có những yếu tố liên quan đến giảm nghèo như: bảo hiểm y tế, nhà ở cho người thu nhập thấp, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, một số chính sách liên quan đến giáo dục... Bên cạnh đó, tổng hợp sơ bộ tại 63 tỉnh, thành phố cho thấy có khoảng 1000 văn bản do các địa phương ban hành. “Điều này cho thấy quyết tâm, nỗ lực của chúng ta trong thực hiện giảm nghèo, tuy nhiên, mặt trái là quá nhiều chính sách nên dẫn đến chồng chéo, phân tán nguồn lực” - ông Quý nhận định.
Tại Hội nghị trực tuyến báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, báo cáo kết quả thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững năm 2013 và bàn các giải pháp triển khai nhiệm vụ giảm nghèo 2014-2015 được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm thừa nhận, chồng chéo chính sách giảm nghèo là một thực tế và đang trở thành một yếu tố cản trở hiệu quả thực hiện các chính sách và mục tiêu giảm nghèo.
Theo thống kê của Oxfam, các cơ quan từ cấp Bộ trở lên đã ban hành 501 văn bản về giảm nghèo - Ảnh minh họa |
Theo Thứ trưởng, sự chồng chéo trong chính sách giảm nghèo một phần là do chưa có sự phân định rõ trong thiết kế các chương trình, dự án. Các chính sách được nhiều bộ, ngành đề xuất ban hành và nhiều cơ quan cùng thực hiện, nhưng thiếu sự phối hợp. Trong một văn bản quyết định ban hành thường quy định nhiều chính sách; một nội dung chính sách có khi lại được quy định trong các quyết định khác nhau, có chính sách bao hành theo đối tượng, có chính sách ban hành theo lĩnh vực, có chính sách ban hành theo vùng địa lý...
Ông Nguyễn Trọng Đàm cũng khẳng định, sự chồng chéo về chính sách tuy không trùng chéo về nguồn lực nhưng đã dẫn đến sự dàn trải nguồn lực đầu tư trong khi khả năng bố trí ngân sách nhà nước còn hạn chế.
Khẩn trương sửa đổi, thay thế
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, qua thực hiện mục tiêu giảm nghèo hơn 10 năm qua, có thể rút ra bài học kinh nghiệm: Xóa đói giảm nghèo là sự nghiệp lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do đó cần phải kiên trì để thực hiện mục tiêu đề ra trong cả hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, tránh chủ quan nóng vội, bệnh thành tích; phải khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của chính bản thân người nghèo.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng, các chính sách giảm nghèo phải thường xuyên được tổ chức rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn; những chính sách qua thực hiện thấy bất hợp lý phải khẩn trương được sửa đổi, thay thế. Chính sách giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có các chính sách giảm nghèo chung, có chính sách giảm nghèo đặc thù cho từng vùng khó khăn, nhóm người nghèo dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo, vấn đề cần thực hiện ngay là rà soát, đánh giá tổng thể toàn bộ các chính sách, chế độ giảm nghèo bền vững, trên cơ sở đó lồng ghép các chính sách, loại bỏ các chính sách, chế độ chồng chéo, không hiệu quả. Ông cho rằng sau năm 2015 phải sắp xếp lại các chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp một số chính sách hiện đang trợ cấp bằng tiền mặt thành một gói trợ cấp có điều kiện để giảm đầu mối cơ quan quản lý, chi trả và tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, thủ tục, chi phí đi lại... cho đối tượng thụ hưởng khi nhận trợ cấp. Ông cũng đề xuất tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở và cộng đồng dân cư trong việc thực hiện giảm nghèo.
Đồng tình với ông Thi, ông Đinh Ngọc Quý nhấn mạnh, hệ thống chính sách cần sắp xếp lại để ứng phó được với các thách thức hiện nay như: chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn; nghèo liên quan đến khủng hoảng kinh tế; nghèo do tác động của di dân, tái định cư... “Tôi đã đọc khoảng 50 báo cáo nghiên cứu về giảm nghèo lớn nhỏ khác nhau với rất nhiều giải pháp, kiến nghị. Vấn đề là các cơ quan, địa phương thực hiện cần tìm ra giải pháp để ứng phó với thách thức mới ở cả góc độ chính sách, điều hành, bố trí nguồn lực để triển khai từ sau năm 2015” - ông đề nghị.
Đề cập đến các giải pháp để giải quyết tình trạng trên, bên cạnh việc tích hợp và lồng ghép chính sách giảm nghèo tại Trung ương, Ðiều phối viên Chương trình vận động chính sách và truyền thông của Tổ chức Oxfam Vũ Thị Quỳnh Hoa cho rằng, cần phân cấp trao quyền cho địa phương và nâng cao vai trò tham mưu của cơ quan giảm nghèo để giải quyết thách thức về chồng chéo chính sách. Việc tiếp cận của các chính sách giảm nghèo trong thời gian tới, theo bà cũng cần thay đổi theo hướng linh hoạt và phù hợp hơn với khác biệt về bản chất nghèo của các vùng, miền, nhóm dân cư khác nhau.
Nhận định chính sách chồng chéo là một trong những nguyên nhân cản trở nỗ lực giảm nghèo, phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, báo cáo kết quả thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững năm 2013 và bàn các giải pháp triển khai nhiệm vụ giảm nghèo 2014-2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu các bộ, ngành cần nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung các chính sách, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, không làm gián đoạn các chính sách giảm nghèo hiện hành. Trong quá trình sửa đổi, nếu thấy bất hợp lý phải đề xuất để sửa đổi kịp thời, nếu có sự chồng chéo phải đề xuất bãi bỏ hoặc điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, việc ban hành các chính sách cần phù hợp với nguyên tắc thiết kế chính sách phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ không thể xóa nghèo.
.