Gia đình xã hội

Nguy cơ bùng phát bệnh dại

08:44, 03/04/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)- Riêng năm 2013, tỉnh Nghệ An đã có 10 người chết do bệnh dại. Còn tính từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có 43 người tử vong do bệnh dại. Mỗi năm có hơn ba nghìn người bị chó cắn phải đến trung tâm y tế để tiêm phòng. Trước diễn biến bệnh dại bùng phát đó, UBND tỉnh đã có chỉ thị nhằm ngăn chặn bệnh dại trên địa bàn.

43 người chết vì bệnh dại trong 7 năm

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An cho biết, đầu năm 2014 vừa có một ca tử vong do bị chó dại cắn. Còn tính riêng trong năm 2013, toàn tỉnh có 10 ca tử vong do chó dại cắn, trong đó huyện Nghĩa Đàn 3 người, thị xã Thái Hòa 2 người, Anh Sơn 1 và một số huyện khác.

Trong số những nạn nhân tử vong, đau thương nhất là trường hợp gia đình bà Trần Thị Hoa ở thị xã Thái Hòa có 3 người bị chó dại cắn thì chỉ có 1 người đi tiêm phòng, 2 người còn lại không tiêm thì bị chết. Đó là vào đầu 3/2013, bà Hoa cùng con trai và cháu nội bị một con chó lạ cắn. Vì điều kiện kinh tế nên cả gia đình chỉ dồn tiền cho cháu nội 8 tuổi đi tiêm phòng, còn bà và con trai thì không. Hậu quả, một tháng sau bà Hoa và người con trai đã phát dại.

Ông Hoàng Ngọc Đàn - Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An cho biết, tất cả 11 nạn nhân tử vong trong năm ngoái và đầu năm nay do chó dại cắn đều không được tiêm phòng. Ông Đàn cũng cho biết, năm ngoái có hơn 3.700 người bị chó cắn đã đến các cơ sở y tế để tiêm phòng, hai tháng đầu năm 2014 đã có 700 người bị chó cắn. Về chi phí, một ca tiêm phòng khi bị chó cắn là một triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An cho biết, rất đau lòng với nhiều trường hợp người dân bị chó cắn nhưng vì chủ quan và nghèo nên họ không thể đi tiêm phòng.

123
Tiêm phòng dại cho chó là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh dại bùng phát

Hiện tại, Trung tâm đang lập kế hoạch trình lên Ủy ban nhân dân tỉnh xin kinh phí hỗ trợ để làm sao miễn phí cho những trường hợp là hộ nghèo khi bị chó cắn sẽ được tiêm phòng miễn phí. "Mọi người bị chó cắn nên lập tức đến trung tâm y tế để được tư vấn và hỗ trợ tối đa nhất. Khi một người đến trình báo thì cán bộ trung tâm sẽ có trách nhiệm về tận địa phương để xác minh chính xác, theo dõi con chó đã cắn người.Nếu nạn nhân không đồng ý tiêm phòng thì cần theo dõi chính xác con chó đã cắn, nếu sống qua 10 ngày thì không có khả năng bị dại. Nhưng an toàn nhất là khi chó cắn phải tiêm phòng càng sớm càng tốt", Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết thêm.

Tập trung ngăn chặn bệnh dại

Thống kê của Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An, tính từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 43 người tử vong do bệnh dại. Trước diễn biến bệnh dại bùng phát, Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An đã có công văn tham mưu lên Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại. Ngày 10/3/2014, UBND tỉnh đã có chỉ thị về việc ngăn chặn, phòng, chống bệnh dại ở chó, mèo trên địa bàn. Chỉ thị yêu cầu các sở, ban ngành nghiêm túc thực hiện nghị định của Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh vật nuôi. Chủ nuôi phải chịu mọi trách nhiệm khi để chó, mèo thả rông cắn người...

Ngày 12/3, ông Đặng Khắc Minh - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tại trên toàn tỉnh có hơn 500 nghìn con chó được người dân nuôi thả rông. Nhưng trung bình hàng năm chỉ có khoảng 100 nghìn con được tiêm phòng vắc-xin. Giá mỗi liều vắc-xin giao động ở mức 20 nghìn đồng. Chi cục luôn cung ứng đầy đủ số lượng vắc-xin cho các địa phương khi có yêu cầu. "Về bệnh dại nếu thực hiện tiêm phòng cho chó đạt 70% trở lên thì đã khống chế được bệnh. Nhẩm một phép toán đơn giản, nếu 500 nghìn con chó được tiêm phòng mỗi năm chỉ tiêu tốn chừng 1 tỉ đồng. Còn hiện tại, mỗi năm gần 4 nghìn người bị chó cắn phải tiêm phòng thì tốn số tiền gần 4 tỉ đồng", Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết.

Ông Minh cũng cho biết, khó khăn nhất trong việc tiêm phòng cho chó là do người dân ở nhiều địa phương chưa ý thức được tác hại của dịch bệnh, nhất là các huyện, xã miền núi, dân tộc thiểu số. Chi cục Thú y cũng ghi nhận những địa phương thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho chó hàng năm. Nổi bật nhất là xã Ngọc Sơn, huyện Nam Đàn và xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương với 100% số hộ nuôi chó trên địa bàn tham gia tiêm phòng.

Được biết, để làm được như thế, xã Thanh Lĩnh đã tuyên truyền, quán triệt rất nghiêm khác đối với việc tiêm phòng chó. Xã thành lập tổ tiêm phòng gồm cán bộ Công an, y tế của xã tới từng hộ để vận động, thống kê số lượng chó để tiêm phòng. Trường hợp có hộ dân chống đối thì sẽ tiến hàng bắt, tịch thu, tiêu hủy những con chó không được tiêm phòng.

Bệnh dại là bệnh viêm màng não tủy cấp tính do vi rút dại gây nên. Chó, mèo bị bệnh dại truyền vi rút sang người qua vết thương cắn, cào xước trên da và niêm mạc bị tổn thương. Người bị chó, mèo cắn nếu không được tiêm phòng vắc-xin sẽ lên cơn dại vật vã đau đớn, co cứng, giãn đồng tử, hạ huyết áp... Tất cả bệnh nhân khi lên cơn dại đều tử vong.

Theo số liệu ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm, trên toàn thế giới có khoảng 55 nghìn người chết và hơn 15 triệu người phải tiêm vắc-xin phòng dại do bị động vật nghi dại cắn. Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành cao bệnh dại, với khoảng hơn 100 người chết do bệnh dại hằng năm, là một trong các bệnh có số tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm ở nước ta thời gian gần đây. Đáng chú ý, người mắc dại chủ yếu ở Việt Nam là người nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng  xa.

 

TIN LIÊN QUAN

Bình Nguyên Sơn

Các tin khác