Gia đình xã hội
Tự hào "mắt" biển
(Congannghean.vn)- Cách đất liền gần 20 hải lý, Đảo Mắt được ví như con mắt biển, ngày đêm canh giữ biển trời của xứ Nghệ. Trên vùng biển xa xôi này, cuộc sống của những người lính ở Tiểu đoàn hỗn hợp Đảo Mắt luôn diễn ra hết sức bình dị, tự hào. Cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm vững vàng nơi đầu sóng với khí thế đầy tin yêu, niềm tin được gửi trao từ đất liền yêu dấu.
Sau gần 2 giờ đồng hồ vượt sóng, con tàu mang số hiệu 15-11-14 thuộc Bộ CHQS tỉnh đã đưa chúng tôi đến với vị trí tập kết của Đảo Mắt. Thời tiết những ngày cuối tháng 3 đẹp đến lạ thường, biển lặng, nắng ấm. Hành trình của đoàn chúng tôi từ đất liền mang đến cho cán bộ chiến sĩ nơi đây là khí thế của thanh niên và sức trẻ tình nguyện khi hướng về biển, đảo quê hương. Ngoài các loại nhu yếu phẩm và hàng hóa đơn giản, đó còn chứa đựng cả một tình cảm lớn lao của quân và dân đất liền mang đến cho cán bộ, chiến sĩ Đảo Mắt nhân ngày truyền thống của Đoàn Thanh niên và ngày thành lập Đảo Mắt anh hùng (31/3/1963 - 31/3/2014).
Nhìn từ xa, cả một quần thể nơi đảo đứng chân hiện ra thật vững chãi giữa biển khơi. Với những người như chúng tôi, lần đầu tiên được đặt chân đến một hòn đảo của quê hương luôn cảm thấy phấn chấn, tự hào. “Vững ý chí, chắc tay súng - Bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương” là những gì mà các cán bộ chiến sĩ nơi đây đang ngày đêm ghi tạc.
Sau phút nghỉ ngơi, Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên dẫn chúng tôi tiến hành lễ thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ của đảo được xây dựng trang trọng gần Trung tâm chỉ huy Tiểu đoàn, vừa kể về truyền thống anh hùng của đảo. Đảo Mắt có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, nơi đây là đơn vị tiền tiêu, canh giữ biển, trời của Tổ quốc và là nơi trung chuyển hàng hoá, đạn dược cho đất liền cũng như các tỉnh phía Nam.
Năm 1963, trước những diễn biến của tình hình chiến tranh trên chiến trường Việt Nam, đế quốc Mỹ có âm mưu leo thang đánh phá miền Bắc, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, Bộ Quốc phòng đã ra chỉ thị yêu cầu Bộ Tư lệnh QK4 thành lập 2 chiến tuyến trên biển tại hòn Mắt và hòn Ngư nhằm bảo vệ cửa ngõ phía Đông của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Đại đội bộ binh Đảo Mắt được thành lập ngày 31/3/1963 với phiên hiệu C32. Lo sợ trước sự phát triển của lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, Quân khu 4 nói riêng, đế quốc Mỹ đã tập trung lực lượng hải quân và không quân nhằm xóa sổ Đảo Mắt.
Đúng 2 năm sau ngày thành lập đảo, ngày 31/3/1965, hàng chục máy bay Mỹ đã tập trung đánh bom với dã tâm biến cứ điểm này thành bình địa. Không phận phía đông của Nghệ An và Hà Tĩnh trở thành nơi đọ sức của Đại đội 32 với không quân Mỹ. Giữa mênh mông biển nước, tàu chiến địch bắn phá đảo tứ bề, thêm vào đó, trên không, máy bay địch oanh tạc ngày đêm.
Tuy nhiên, bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng, với khẩu hiệu “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, bộ đội ta đã nhiều phen làm giặc Mỹ phải rút chạy. Liên tiếp trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại đội 32 Đảo Mắt đã lập nhiều chiến công vang dội, góp phần ngăn chặn hỏa lực của địch vùng cửa ngõ phía đông, đồng thời bảo vệ và chuyển tiếp cho các đoàn vận tải hàng hóa, vũ khí và trang bị vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ, góp phần thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tăng gia sản xuất trên Đảo Mắt |
Không chỉ làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Đảo Mắt còn làm tốt công tác tăng gia sản xuất. Nằm ở vị trí có độ dốc lớn, thổ nhưỡng núi đá chiếm 70%, việc thiếu nước ngọt, thiếu đất để tăng gia sản xuất là điều tất yếu trên đảo. Thế nhưng, với ý chí vượt khó, vượt khổ, tinh thần “thực túc binh cường”, áp dụng các cách làm đơn giản, hiệu quả của lính đảo như làm vườn rau theo kiểu ruộng đá bậc thang, làm giàn bầu bí…, đến nay, Đảo Mắt trở thành điểm sáng trong phong trào tăng gia.
Hàng ngày, sau giờ luyện tập, tuần tra vũ trang, cán bộ, chiến sĩ nơi đây lại dành thời gian để tăng gia sản xuất. Có một điều hết sức đặc biệt, đó là ở Đảo Mắt, việc có được một nguồn nước ngọt cho sinh hoạt rất khan hiếm và hành trình để có được giọt nước này cũng không kém phần gian nan. Dưới chân núi đá vôi là một bể nước đặc biệt, sát bờ biển. Phía trên bể có nhiều rãnh nhỏ, được đẽo từ các phiến đá.
Ngày ngày, sau giờ luyện tập, các chiến sĩ nơi đây phải vượt độ cao trên 120 m qua các khẽ đá mang theo thùng, can nước để lấy. Không chỉ cung cấp cho đơn vị, đây còn là nguồn nước sạch cho ngư dân đi đánh bắt trên biển dài ngày… Vì thế, đối với những người lính trên đảo, sau mỗi bận ra khơi, ngư dân đều dành những món quà đặc biệt cho anh em lính đảo. Nhờ đó mà tình cảm quân dân ngày càng bền chặt., gần gũi.
Đảo Mắt ngày mới đã có nhiều đổi thay. Sự đổi thay bởi nỗ lực vượt khó của những người lính và sự quan tâm của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An. Cán bộ, chiến sĩ bộ đội Đảo Mắt đã và đang quyết tâm giữ vững danh hiệu của một hòn đảo anh hùng. Với mục tiêu “Huấn luyện giỏi - cơ bản, thiết thực, vững chắc” làm phương châm hành động của mình, nhiều năm qua, Đảo Mắt đã được Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đánh giá là đơn vị huấn luyện giỏi trong toàn lực lượng.
Rời Đảo Mắt - hòn đảo của quê hương, chúng tôi mang theo sự quyến luyến thân tình của những người cán bộ, chiến sĩ nơi “đầu sóng ngọn gió”. Vẫn vang đâu đây lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển; bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Thấm nhuần lời dạy, hiện nay, cán bộ, chiến sĩ trên đảo tiếp tục cầm chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu, tuyệt đối không để bị động trước mọi tình huống của kẻ thù, bảo vệ tuyệt đối an toàn vùng trời, vùng biển của quê hương và trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân giữa trùng khơi bão tố.
Xuân Thống