(Congannghean.vn)-Chỉ vì con trâu đi lạc, hai gia đình đều nhận là trâu của nhà mình, không ai chịu nhường nhịn ai dẫn đến xảy ra tranh chấp. Chính quyền địa phương cũng đau đầu vì đã đứng ra hòa giải gần một năm nay nhưng không thành công, trong khi người mất trâu lẫn người được trâu đều đưa ra được những đặc điểm ngoại hình giống với mô tả, khiến sự việc ngày càng thêm rối rắm, phức tạp.
Chỉ tại con trâu đi lạc
Chuyện hi hữu xảy ra tại bản Xốp Hốc, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Hai hộ gia đình xảy ra tranh chấp con trâu lạc là chị Hà Thị Hoài trú tại bản Đôm 2, xã Châu Phong và ông Lương Văn Xuân trú bản Xốp Hốc, xã Diên Lãm. Ông Vi Văn Thu - Trưởng Công an xã Diên Lãm cho biết, nội dung vụ việc như sau: “Gia đình chị Hà Thị Hoài vào tháng 4/2013 bị mất một con trâu đực khoảng 6 đến 7 năm tuổi. Vừa rồi, tình cờ chị Hoài vào trong nhà ông Lương Văn Xuân tìm mua lợn thì phát hiện con trâu đực nhà ông Xuân đang nuôi giữ giống trâu nhà chị Hoài đã bị mất nên hiện nay đang có sự tranh chấp trâu giữa hai gia đình chị Hoài và gia đình ông Xuân. Đây là sự việc tranh chấp dân sự, đại diện cho chính quyền địa phương đứng ra hoà giải, chúng tôi đã thu thập đầy đủ hồ sơ, ghi biên bản làm việc giữa các bên. Tuy nhiên, do phía gia đình ông Lương Văn Xuân vẫn chưa đồng ý nên chúng tôi sẽ phải chuyển hồ sơ lên cấp trên giải quyết".
Theo biên bản hoà giải ngày 23/1/2014, chị Hà Thị Hoài trình bày: Khoảng tháng 4/2013, con trâu đực nhà chị Hoài bị mất, gia đình có nhờ cả anh em họ hàng đi tìm cùng nhưng không thấy. Đến khi chị Hoài vào mua lợn trong Diên Lãm thì thấy trâu giống trâu nhà chị, vì trâu nhà chị có đặc điểm, ký hiệu riêng như trâu đã được 6 đến 7 năm tuổi, có 4 lứa em, có cắt tai trái khoảng một phân và thường đi ăn ở vùng Huôi Chán ở bản Tóng (xã Châu Phong). Ngoài ra, trâu nhà chị Hoài có được đặt tên và hiện nay trâu mẹ lẫn ba trâu em đang còn sống.
Trong khi đó, phía gia đình ông Lương Văn Xuân cho rằng, con trâu này ông mua của ông Lương Văn Thà tại bản Ná Cống (xã Châu Hoàn). Sau khi mua về được một năm thì con trâu bỏ đi, ông Xuân đi tìm từ tháng 2 đến ngày 10/4/2013, nhận được tin báo trâu của ông Xuân đang ăn ở Huôi Khúc nên ông Xuân đi bắt về. Con trâu của ông Xuân cũng có cắt tai trái, được mua với giá 12 triệu đồng, đến nay giá trị khoảng 27 triệu đồng. Qua đối chất thì bên nào cũng cho rằng đó là trâu của mình nên phía chính quyền địa phương đã đề nghị phương pháp hòa giải, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra phương án tối ưu, khiến cả hai bên gia đình đều không vừa ý. Chị Hà Thị Hoài cho rằng, nên thả trâu ra vùng bản Đôm rồi để nó tự đi về nhà ai thì người đó nhận trâu nhưng không được phía ông Xuân đồng ý.
Con trâu đang bị hai gia đình tranh chấp |
Đưa nhau ra tòa
Ngày 23/1/2014, ông Lương Văn Xuân đồng ý đưa trâu ra thử tại bản Đôm, nếu trâu tự đi về nhà ai thì người ấy được nhận trâu. Tuy vậy, đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, khi có đầy đủ thành phần tham gia hoà giải thì ông Xuân lại đổi ý, không đưa trâu ra thử nữa mà yêu cầu gửi đơn lên toà án để giải quyết. Ông Lô Văn Diệu - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Diên Lãm thì cho rằng, mặc dù mọi người đều tin rằng con trâu là của gia đình chị Hoài, nhưng khi đưa ra các phép thử thì phía gia đình ông Xuân đều không đồng ý. Do không có bằng chứng nên chính quyền cũng chưa giải quyết thấu đáo được.
Trong thời gian tranh chấp, do ông Lương Văn Xuân đang giữ con trâu nên phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, không được dùng trâu cày kéo, không được thay đổi hình dạng con trâu. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hà Thị Hoài cho biết, gia đình chị làm nông nên con trâu đối với gia đình là cả một gia tài, biết chắc là trâu mình đó bị người khác bắt đi thế mà chưa đòi lại được. Lúc gọi tên nó còn ngoảnh lại nhìn chị, điều kiện gia đình khó khăn, từ hôm bị bắt mất trâu đến nay không có phương tiện để cày kéo.
Về hướng giải quyết, ông Lý Châu Đại - Chủ tịch UBND xã Diên Lãm cho biết, do tranh chấp giữa hai gia đình kéo dài, chính quyền đã hướng dẫn cho chị Hà Thị Hoài, là bên nguyên đơn làm thủ tục khởi kiện lên Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu để đòi lại trâu và vụ án đang trong quá trình thụ lý. Ông Đại cũng cho biết, trong thời gian xảy ra tranh chấp, Ban Công an xã đã yêu cầu ông Xuân không được sử dụng trâu vào việc cày kéo hay làm thay đổi hình dạng bên ngoài của trâu để phục vụ cho công tác điều tra. Nếu vi phạm, buộc ông này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
.