Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân đã từng bước được quan tâm đúng mức, phát triển về mọi mặt, kịp thời chuyển hướng tổ chức, nhiệm vụ của toàn ngành từ kiện toàn Nha Công an Trung ương đến Thứ Bộ Công an và Bộ Công an.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945, cùng với sự ra đời của Nhà nước cách mạng, các tổ chức tiền thân của Công an Việt Nam được thành lập, đó là Sở Liêm phóng Bắc Bộ, Sở Trinh sát Trung Bộ và Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ. Tuy tên gọi khác nhau nhưng các tổ chức này đều có chung nhiệm vụ đấu tranh trấn áp phản cách mạng, các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân. Ngay từ khi ra đời, công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc đấu tranh bảo vệ những thành quả của cách mạng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng và Chính phủ.
Thực hiện Nghị định số 14/NgĐ ngày 19/1/1946, Bộ Nội vụ trong một thời gian ngắn, ngành Công an đã tranh thủ xây dựng lực lượng, củng cố tổ chức, đề nghị với Đảng bổ sung cán bộ, đảng viên. Đến khi bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, toàn lực lượng Công an đã từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy, chấn chỉnh đội ngũ, quy định nhiệm vụ, vững bước cùng toàn dân tộc bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.
Cùng với xây dựng về chính trị, nghiệp vụ, Nha Công an Trung ương đã chủ động củng cố và tăng cường về tổ chức bộ máy cho phù hợp với yêu cầu của cuộc kháng chiến. Ngày 29/1/1947, Nha Công an Trung ương ra Quyết nghị số A00092 về chương trình hoạt động của bộ máy Công an trong thời chiến, trong đó xác định: Nhiệm vụ của Công an là giữ bí mật hậu phương, bao vây triệt đường xâm nhập của gián điệp, kiểm soát dân chúng, khống chế các phần tử hiềm nghi, bảo vệ các cơ quan chính quyền đóng ở thôn quê, miền núi, điều tra địch tình, giúp tin tức cho quân đội đánh giặc. Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ nhất tại Tuyên Quang (16/5/1947) xác định rõ quan điểm lớn: xây dựng tổ chức Công an sát hợp với tình thế và làm cho Công an gần dân hơn. Tính chất Công an phải gần dân, giúp dân (Bộ Công an, Văn phòng Bộ, Hệ thống hoá văn bản các Hội nghị Công an toàn quốc (1945-1954), Tối mật, Lưu hành nội bộ, Hà Nội-2001, tr.7, 10, 11).
Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ hai (1948) xác định: cần ấn định tổ chức mới cho phù hợp với tình hình hiện tại. Thực hiện chủ trương của Đảng là bổ sung và phát triển lực lượng về mọi mặt, chuẩn bị tổng phản công, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 4 (1949) thống nhất tổ chức lực lượng công an: xây dựng bộ máy tổ chức của toàn ngành thống nhất, đơn giản, khoa học; kiện toàn Nha, củng cố Ty, giản đơn Sở, rút bớt quân số... xây dựng lý luận Công an nhân dân Việt Nam (Bộ Nội vụ, Viện Khoa học Công an, Công an nhân dân Việt Nam lịch sử biên niên (1945-1954), sđd, tr.187-188). Theo phương châm trên, Nha Công an tập trung kiện toàn tổ chức, cán bộ cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh việc từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức, Đảng và các cấp ủy Đảng, Nha đã rất quan tâm chú ý giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ Công an về lập trường quan điểm của giai cấp công nhân, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, thấu suốt đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, lâu dài”. Đây là bước chuẩn bị rất cơ bản và quan trọng cho lực lượng Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phục vụ các chiến dịch quân sự lớn và chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.
Lực lượng Công an phối hợp với bộ đội bảo vệ tuyến đường ra mặt trận Điện Biên Phủ |
Một bước tiến quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân là tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5 (1950) đã xác định quan điểm xây dựng lực lượng Công an: “Vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc”. Hội nghị đã thảo luận và thông qua “Đề án Công an nhân dân Việt Nam”. Theo quan điểm trên, tổ chức Công an xã (gọi là Ban Công an xã) phát triển rộng rãi trở thành những lực lượng đông đảo hỗ trợ đắc lực cho Công an trong đấu tranh chống hoạt động gián điệp, do thám phản động, giữ gìn trật tự xóm làng, làm nòng cốt trong công tác giữ gìn bí mật, thực hiện khẩu hiệu “ba không”, “phong trào phòng gian bảo mật” trong nhân dân ở cơ sở.
Ngày 3 tháng 1 năm 1952 Bộ Nội vụ ra Nghị định số 9/NĐ về việc thành lập Công an huyện, lực lượng Công an huyện trong toàn quốc được củng cố và kiện toàn một bước quan trọng. Ngày 19/8/1952, Trung ương Đảng cử đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng (khoá II) sang phụ trách Công an và sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 113/SL, ngày 6/9/1952 bổ nhiệm đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ chức Giám đốc Nha Công an thay đồng chí Lê Giản. Ngày 23/11/1952, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 26-QN/TW về công tác Công an bổ sung thêm nhiệm vụ bảo vệ vũ trang các cơ quan đầu não của lực lượng kháng chiến; quản trị nhà giam, giáo dục cải tạo phạm nhân. Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141-SL đổi Nha Công an thành Thứ Bộ Công an và sau đó Thứ Bộ Công an ban hành quy định cơ cấu tổ chức bộ máy của Thứ Bộ Công an và Công an liên khu, Công an khu, Công an tỉnh...
Trước những chuyển biến mạnh mẽ của cuộc kháng chiến, trong phiên họp từ ngày 27 đến 29/8/1953, Hội đồng Chính phủ đã quyết định đổi Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an trực thuộc Hội đồng Chính phủ, bộ máy của Bộ Công an vẫn giữ nguyên như Thứ Bộ Công an. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng được cử giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an. Đây là một bước phát triển mới, nhanh chóng và rất quan trọng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và là nhân tố quan trọng góp phần huy động đủ lực lượng tham gia bảo vệ và phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.
Những thắng lợi liên tiếp của quân và dân ta trong các chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào đã làm thay đổi cục diện chiến trường. Tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn về nhiệm vụ quân sự và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 nhằm tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Trước tình hình đó, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 8 (1953) họp và nhấn mạnh: Tiếp tục chỉnh đốn tổ chức đào tạo cán bộ nâng cao tư tưởng chính sách, tăng cường học tập nghiệp vụ, sửa đổi lối làm việc. Hội nghị chủ trương chỉnh đốn tổ chức, tìm hiểu rõ lý lịch cán bộ, nhân viên, khen thưởng đề bạt thích đáng, bổ sung cho đủ số người đã được Chính phủ quy định trong biên chế…
Chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương do đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Được giao nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch, ngành Công an đã thành lập “Ban Công an tiền phương” nằm trong Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương do đồng chí Trần Hiệu làm Trưởng ban (Bộ Công an, 60 năm Công an nhân dân Việt Nam (1945-2005), Nxb. CAND, Hà Nội 2006, tr.152). Thành phần chủ yếu của Ban Công an tiền phương là những cán bộ bảo vệ chính trị, tình báo như đồng chí Trần Hiệu, Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Thanh Sơn… Nhiệm vụ của Ban là bảo vệ các lực lượng tham gia chiến dịch, bảo vệ dân công, bảo vệ giao thông vận chuyển, kho tàng, đường hành quân, nơi trú quân của bộ đội. Ở một số tỉnh Tây Bắc cũng thành lập Ban Công an tiền phương cấp tỉnh làm công tác trực tiếp bảo vệ chiến dịch.
Để phục vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí phương tiện, làm đường, cầu phà, kho tàng, Chính phủ đã huy động hơn 26 vạn dân công từ các khu cùng nhiều phương tiện vận tải cả cơ giới và thô sơ. Ngay từ đầu, Ban Công an tiền phương chỉ đạo các Ban Công xã tham gia việc lập danh sách và tiến hành công tác thuần khiết nội bộ đội ngũ dân công, phân loại theo những tiêu chuẩn chung của ngành Công an quy định và đề nghị với bộ phận phụ trách dân công bố trí vào những công việc thích hợp có mức độ quan trọng khác nhau; cử cán bộ Công an huyện theo các đoàn dân công làm nhiệm vụ bảo vệ trực tiếp, tổ chức cho dân công học tập kỷ luật chiến trường; phát động phong trào “phòng gian bảo mật”, khẩu hiệu “3 không”; phổ biến công tác giữ gìn bí mật, cách thức phòng chống địch do thám, điều tra, quy định việc đi lại, tiếp xúc giao dịch, che phòng nơi ở, nơi làm việc. Ban Công an tiền phương còn đề nghị Hội đồng cung cấp mặt trận biên chế dân công thành những đơn vị cấp đại đội, trung đội, tiểu đội và lựa chọn những đảng viên, đoàn viên hoặc những người tích cực làm hạt nhân lãnh đạo… Lực lượng Công an phối hợp với dân quân du kích mở các cuộc vận động giáo dục nhân dân phòng gian, giữ bí mật, tổ chức canh gác ngày đêm các địa điểm trú quân, kho tàng, bến bãi và phân công nắm tình hình, phát hiện những phần tử khả nghi hoạt động do thám, chỉ điểm.
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công địch ở Điện Biên Phủ và cho thấy địch đã hoàn toàn bất ngờ, bị động trước sức tấn công như vũ bão của bộ đội ta; các kế hoạch quân sự đã được bảo vệ tuyệt đối bí mật, mọi hoạt động di chuyển quân, vận chuyển phục vụ chiến dịch đều đảm bảo an toàn. Các cơ sở xã hội và mạng lưới do thám, gián điệp, phản động của địch cài cắm hoạt động ở vùng hậu phương và nhất là các địa bàn xung quanh Điện Biên Phủ và dọc tuyến vận chuyển lên Điện Biên Phủ đều bị vô hiệu hóa. Trong thắng lợi đó có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Công an nhân dân.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân đã từng bước được quan tâm đúng mức, phát triển về mọi mặt, kịp thời chuyển hướng tổ chức, nhiệm vụ của toàn ngành từ kiện toàn Nha Công an Trung ương đến Thứ Bộ Công an và Bộ Công an. Nhiều cán bộ ưu tú của Đảng, các ngành được bổ sung cho Công an. Hệ thống tổ chức Công an được xây dựng, kiện toàn một bước và thống nhất trong toàn quốc. Thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân năm 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó có đóng góp quan trọng của lực lượng Công an nhân dân. Qua công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân những năm cuối của cuộc kháng chiến đã thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ về công tác xây dựng lực lượng. Đây là một nhân tố cực kỳ quan trọng để CAND hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang trong chiến dịch Điện Biên Phủ và góp phần tạo nên chiến công chung của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trung Tướng Trần Bá Thiều - Tổng Cục Trưởng Tổng Cục XDLL CAND
.