Gia đình xã hội

Xóa nhà trẻ "ba không"-chuyện không đơn giản

09:06, 13/03/2014 (GMT+7)

Ở bất cứ địa phương nào cũng tồn tại những nhà trẻ tư nhân “ba không” (không phép, không bảo đảm an toàn, không bảo đảm chất lượng). Thế nhưng việc dẹp bỏ loại nhà trẻ này thật không đơn giản.

Nhiều... như nấm sau mưa

Tình trạng thiếu cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) cho nhóm trẻ (0-36 tháng tuổi) vô hình trung đã tạo mảnh đất màu mỡ cho các nhà trẻ tư, nhóm trông trẻ tự phát.

Cả nước hiện có 16.000 nhóm lớp độc lập tư thục giữ trẻ dưới 36 tháng tuổi. Trong đó có tới 5.590 nhóm trẻ (chiếm 34%) quy mô nhỏ và phần lớn là nhóm trẻ gia đình chưa được cấp phép. Trong đó Bắc Ninh có đến 1.190 nhóm, Hải Phòng 467 nhóm, Hải Dương 132 nhóm. Chỉ tính riêng tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) năm học 2013-2014, có 38 cơ sở mầm non ngoài công lập nhưng mới cấp phép được 13 cơ sở, chiếm 34%.

Những nhóm lớp tận dụng không gian gia đình hoặc đi thuê cơ sở để tổ chức dạy, trông trẻ đa phần đều chật chội, nhỏ lẻ, công trình vệ sinh, bếp ăn không đảm bảo. Điều kiện sinh hoạt, nuôi dưỡng giáo dục trẻ cũng không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu của Bộ GDĐT đề ra, không đảm bảo quy chế chuyên môn, sự chăm sóc, giáo dục trẻ, việc thực hiện chương trình GDMN còn hạn chế.

Một trong những bất cập điển hình của nhóm trông trẻ tự phát là người trông trẻ đa số đều chưa đạt chuẩn. Phần lớn là người lớn tuổi, không có việc làm hoặc đã về hưu, việc tổ chức các lớp trông trẻ tư nhỏ lẻ chủ yếu để tạo công ăn việc làm cho đối tượng này.

Bà Nguyễn Thúy Thuận, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Hòa, Cầu Giấy, cho rằng cần phải nâng chuẩn đối với chủ nhóm lớp mầm non tư thục lên trung cấp sư phạm mầm non mới đảm bảo chất lượng song điều này là bất khả thi với những nhóm trông trẻ tự phát.

Tuy nhiên, kiểm soát đối tượng này gặp khó khăn do họ không sẵn sàng đón nhận sự quản lý các cấp chính quyền. Vì những nhóm trông trẻ gia đình chỉ có từ 10-20 cháu, tận dụng khuôn viên gia đình để làm lớp. Trong khi đó, luật quy định bắt buộc phải đủ 50 trẻ trở lên mới được mở lớp và yêu cầu giáo viên phải có trình độ trung cấp trở lên.

Thêm vào đó, quá trình làm thủ tục cấp phép thành lập, hoạt động cơ sở GDMN còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó vướng nhất là quy định phải đủ từ 50 trẻ trở lên mới được mở lớp trong khi quy mô phổ biến của các nhóm trẻ gia đình từ 10-20 cháu.

Dẹp bỏ thì trẻ đi đâu ?

Ai cũng thấy vấn đề đầu tiên để lập lại trật tự quản lý cơ sở GDMN ngoài công lập là phải có giải pháp xử lý những nhóm lớp độc lập tư thục chưa được cấp phép. Song thực tế lại không đơn giản như vậy.

Bà Phan Thị Thanh Hảo, Trưởng Phòng GDMN (Sở GD-ĐT Hải Dương) chia sẻ việc xóa đi một nhóm lớp chưa được cấp phép còn khó hơn là phá nhà không phép, nhà cơi nới. “Bởi xóa nhóm lớp đi rồi, trẻ sẽ học ở đâu”.

Với tình trạng thiếu cơ sở GDMN hiện nay, thì việc tận dụng các nhóm trông trẻ độc lập, khuyến khích phát triển các cơ sở GDMN ngoài công lập là nên làm. Với điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo chất lượng giáo dục cho trẻ dù ở bất cứ quy mô nào.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay đó là cơ quan quản lý chuyên ngành chưa nắm được số lượng cũng như chất lượng của các nhóm trông trẻ độc lập. Trong khi đó vai trò của UBND cấp xã phường, các tổ chức, hội cũng chưa được phát huy hết. Bên cạnh trách nhiệm về xây dựng cơ chế quản lý, kiểm soát của ngành GD-ĐT, thực tế cho thấy chỉ nơi nào chính quyền quan tâm, giám sát chặt chẽ quá trình hoạt động của những cơ sở, nhóm trông trẻ độc lập này thì mới kiểm soát được tình trạng nhà trẻ “ba không”.

Chinhphu

Các tin khác